Đa dạng các sản phẩm từ cây thốt nốt

23/03/2018 - 06:58

 - Từ lâu, cây thốt nốt đã gắn liền với con người và trở thành nét đặc trưng của vùng Bảy Núi (An Giang), thân cây được dùng cất nhà, làm đũa, các sản phẩm mỹ nghệ… trong đó nổi bật là việc khai thác nước, nấu đường thốt đã tạo ra sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đường thốt nốt An Giang trở thành đặc sản, giúp người dân có thu nhập ổn định, gắn bó với nghề truyền thống.

Toàn vùng Bảy Núi có khoảng 65.000 cây thốt nốt, tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, chủ yếu do đồng bào Khmer thu hoạch nước và chế biến, mỗi năm xuất ra thị trường gần 6.000 tấn đường. 

Hiện nay, việc khai thác và chế biến đường thốt nốt không chỉ dừng lại là công việc truyền thống của bà con dân tộc Khmer, mà còn xây dựng sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của vùng Bảy Núi.

Thời vụ khai thác nước và nấu đường thốt nốt bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch), kéo dài khoảng 6 tháng, nếu mùa khô có thể thu hoạch thêm 2 tháng.

Bên cạnh việc thành lập làng nghề ở các địa phương, hàng trăm nông dân Khmer ở 2 huyện miền núi còn được tập huấn kỹ thuật khai thác nước, chế biến và sản xuất đường thốt nốt đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nhận được hỗ trợ vốn, thiết bị khai thác và nấu đường.

Là nghề truyền thống của gia đình, mỗi ngày chồng và con chị Néang Sóc Pon (xã Châu Lăng, Tri Tôn) thu hơn 100 lít nước thốt nốt. Một phần nước sẽ được giữ lại giao các quán bán cho khách du lịch dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phần còn lại chị Néang Sóc Pon nấu đường.

“Từ khâu thu hoạch nước, nấu đường, mình đều sử dụng vỏ cây sến để bảo quản nước không bị hư hỏng và tạo ra sản phẩm đường an toàn, dù giá bán cao hơn vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn” - chị Néang Sóc Pon thiệt tình cho biết.

Đều đặn mỗi ngày 2 buổi (sáng, chiều), chú Nguyễn Văn Tuấn (xã An Phú, Tịnh Biên) thu được từ 160-180 lít nước thốt nốt từ vườn nhà. Nhờ có nhà ở cặp Quốc lộ 91, nên gia đình chú Tuấn tranh thủ bày bán trái tươi, nước, đường thốt lốt cho thu nhập ổn định.

“Sản phẩm làm ra luôn tuân thủ quy tắc an toàn và do chính tay gia đình thực hiện từ khâu lấy nước, nấu đường... bán tận tay người tiêu dùng nên rất được tin tưởng” - cô Lê Thị Hồng (vợ chú Tuấn) vui mừng chia sẻ.

Năm 2011, xã An Phú (Tịnh Biên) được công nhận làng nghề sản xuất đường thốt nốt, với 140 hộ. Tận dụng mặt tiền Quốc lộ 91, nhiều hộ dân trên địa bàn đã bày bán các sản phẩm từ cây thốt nốt để phục vụ khách du lịch.

Nhờ cây thốt nốt, nhiều gia đình “ăn nên làm ra”, từ hộ nghèo vươn lên khấm khá. Hiện nay, không dừng ở sản xuất đường, từ cây thốt nốt, bà con còn làm ra các sản phẩm, như: bánh bò, nước màu, đũa...

Ông Đoàn Văn Phóng, đại diện Làng nghề sản xuất đường thốt nốt xã An Phú, chủ Cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi cho biết: nhờ có đầu ra ổn định, cùng với quy mô sản xuất lớn, mỗi ngày cơ sở Lan Nhi thu vào từ 2-3 tấn đường của người dân địa phương. Đường sau khi mua sẽ được cơ sở chế biến lại, đóng gói theo nhu cầu của khách hàng và xuất ra thị trường với sản lượng khoảng 1,5 tấn/ngày.

Từ nhiều năm nay, sản phẩm đường thốt nốt của cơ sở Lan Nhi được xuất khẩu qua các nước: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với sản lượng khoảng 30 tấn/tháng. Đó là chưa kể bà con Việt kiều ở các nước đặt hàng, với sản lượng mỗi tháng từ 1-2 tấn đường.

“Đây là kết quả của quá trình tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, kết nối giao thương trong và ngoài nước. Người tiêu dùng biết đến đường thốt nốt vì đây là loại đường thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe, nhiều chất dinh dưỡng lại có mùi thơm, vị ngọt thanh... Chỉ cần dùng thử 1 lần sẽ ưa chuộng ngay”- ông Phóng giải thích.

Hiện nay, ngoài các mặt hàng đường, cơ sở của ông Phóng còn sản xuất thêm nước màu, đũa từ thốt nốt và nhận được sự ưa chuộng, đánh giá cao của khách hàng. Riêng mặt hàng đũa, ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, cơ sở ông Phóng đang chào hàng sản phẩm với các công ty ở nước ngoài.

 

ÁNH NGUYÊN