An Giang đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch
Sản phẩm đa dạng
Từ lâu, An Giang được biết đến là vùng đất của núi sông hùng vĩ, đồng ruộng nên thơ và nền văn hóa các dân tộc đặc sắc. Do đó, vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long là điểm đến quen thuộc của hàng triệu du khách mỗi năm.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Trước đây, du khách chỉ biết đến An Giang là vùng đất của DL tâm linh, với mùa hành hương diễn ra từ tháng 11 đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm. Hiện nay, nhu cầu của du khách đến đây không chỉ để hành hương mà còn tận hưởng phong cảnh hữu tình, ẩm thực phong phú, văn hóa độc đáo…
Do đó, chúng tôi phối hợp các ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực DL phát triển thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách”.
Theo ông Lê Trung Hiếu, ngày càng có nhiều khu, điểm DL mới với sản phẩm độc đáo được hình thành nhằm phục vụ các đối tượng khách khác nhau. Có thể kể đến các hình thức DL cắm trại, homestay tại huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên, hay tận hưởng vẻ đẹp của sông nước hữu tình ở xứ cù lao Chợ Mới. Các đặc sản An Giang dần nổi tiếng, trở thành một phần trong tiềm năng DL phong phú của tỉnh, như: Cơm tấm Long Xuyên, gỏi sầu đâu, gà đốt Ô Thum, bánh canh Vĩnh Trung….
“Theo phản hồi của nhiều công ty DL lữ hành, việc hình thành thêm các sản phẩm mới của DL đường sông là phù hợp với nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Đa phần họ đến An Giang để tìm những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn kết tinh trong đời sống của người dân châu thổ. Vì vậy, khi được trải nghiệm làng bè ngã ba sông Châu Đốc, thưởng thức đặc sản mùa nước nổi và tìm hiểu giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số tại An Giang luôn mang đến sự thích thú, hào hứng cho du khách” - ông Lê Trung Hiếu thông tin.
Đặc biệt, loại hình DL khám phá đang dần trở thành xu hướng, thu hút khá đông du khách đến trải nghiệm, nhất là tại Khu du lịch núi Cấm (TX. Tịnh Biên). Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã phối hợp Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm cùng các đối tác tổ chức nhiều sản phẩm DL sinh thái trải nghiệm, như: Trekking, Hiking, săn mây hay khám phá mùa trái cây trên núi Cấm. Với những tour DL mới này, An Giang là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở vùng ĐBSCL có thể tạo ra những sản phẩm DL kết hợp thể thao độc đáo này.
Anh Hoàng Hoài Nam (vận động viên (VĐV) tham gia Trekking trên núi Cấm), chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy vùng Bảy Núi và nhất là núi Cấm còn rất nhiều cảnh đẹp hoang sơ, thu hút được các VĐV đam mê chạy Trail, Trekking và Hiking. Nhóm chúng tôi đã tổ chức 7 chương trình chạy Trail ở núi Cấm mà vẫn chưa khám phá hết những góc nhìn đẹp, độc đáo của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. Tôi nghĩ, núi Cấm nói riêng và vùng Bảy Núi nói chung là “mảnh đất” màu mỡ để phát triển loại hình DL khám phá, giúp các VĐV chinh phục bản thân, tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực qua những cung đường hùng vĩ”.
Nâng cao chất lượng
Với tiềm năng phong phú và sản phẩm đa dạng, ngành DL An Giang cần có biện pháp để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. “Nếu muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh DL của tỉnh, phải bắt đầu bằng việc xây dựng chiến lược, biện pháp, giải pháp để thực hiện. Trước hết, về mặt cơ chế, chúng tôi phối hợp các sở, ngành, địa phương để tham mưu UBND tỉnh cho nhiều chủ trương liên quan đến phát triển DL của tỉnh, xây dựng nhiều sản phẩm DL mới, như: Homestay, dự án làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, quảng bá giá trị ẩm thực An Giang. Thực hiện đầu tư chỉnh trang Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch quốc gia Núi Sam, rừng tràm Trà Sư…” - ông Lê Trung Hiếu cho hay.
Sự quan tâm, chấn chỉnh an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông trong các dịp cao điểm nhằm đảm bảo an toàn, tạo sự an tâm cho du khách khi đến An Giang trải nghiệm. Tăng cường truyền thông đa phương tiện, phối hợp các cơ quan báo chí đưa tin chính xác, kịp thời về các thông tin DL của tỉnh. Tổ chức các cuộc thi ảnh, sáng tạo clip ngắn và bình chọn quán ăn, món ăn… nhằm quảng bá cho hình ảnh DL An Giang một cách đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, phát triển các tour, tuyến DL quanh năm, với sản phẩm phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng An Giang. Đây là hướng đi mới, đảm bảo du khách có nhiều sự lựa chọn khi đến với An Giang vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trong đó, phải có sự kết hợp hài hòa các loại hình DL vào mỗi chuyến đi của du khách.
Đến tháng 6/2023, An Giang đón khoảng 6 triệu lượt khách DL, tăng 15% so cùng kỳ, ước đạt 75% so kế hoạch. Trong đó, lượng khách lưu trú tại các khách sạn đạt chuẩn 170.000 lượt; lượng khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 180.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động DL toàn tỉnh ước đạt 3.900 tỷ đồng. |
THANH TIẾN