Nhiều kết quả nổi bật
Điểm nhấn nổi bật là từ xã nông thôn mới ngày nào, Đa Phước đã được nâng lên thị trấn (theo Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Tiếp giáp TP. Châu Đốc - thành phố du lịch, năng động và phát triển, nên diện mạo Đa Phước đang khởi sắc. Lĩnh vực đầu tư xây dựng đạt nhiều kết quả tích cực, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nhiều dự án, công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh... Tổng đầu tư xây dựng từ năm 2020 đến nay trên 113,8 tỷ đồng. Thị trấn có 15 tuyến đường cộ nội đồng kết nối, với tổng chiếu dài trên 22km. “Nhìn thấy quê hương phát triển, hạ tầng ngày càng đồng bộ, bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng. Người dân chúng tôi quyết tâm đoàn kết để thực hiện tốt phong trào do địa phương phát động, góp phần phát triển thị trấn hơn nữa” - anh Tâm (ngụ khóm Hà Bao 2) bày tỏ.

Ra mắt mô hình Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân càng phấn khởi khi khánh thành và thông xe cầu Đa Phước - Vĩnh Trường, mở ra cơ hội phát triển mới. Cầu có kết cấu bê-tông cốt thép, bê-tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, tải trọng khai thác 13 tấn; dài hơn 158m, chiều rộng mặt cầu 7m, chiều cao thông thuyền 3m so đỉnh lũ cao nhất năm 2000 và 2011. Tổng kinh phí xây dựng hơn 40,1 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện. Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường, đây là công trình trọng điểm của địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhân dân thị trấn Đa Phước và xã Vĩnh Trường, tạo thuận lợi trong giao thương, góp phần phát triển KTXH.
Cùng với đó, thị trấn tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Địa phương có 63 công ty, doanh nghiệp và 716 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai hiệu quả, có 3 sản phẩm được công nhận 3 sao. Dự án “Làng bè đa sắc màu”, thuộc 2 khóm Phước Thọ và Hà Bao 2 được duy trì. Thị trấn giới thiệu, tạo việc làm cho 3.366 lao động. Tổng số hộ nghèo đa chiều còn 98 hộ, tỷ lệ 2,15%. Thu nhập người dân tăng từ 62,8 triệu đồng lên 75,2 triệu đồng/người/năm; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo...
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đa Phước Nguyễn Ngọc Huynh, thị trấn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng đô thị văn minh” ngày càng phát huy hiệu quả, Nhân dân tích cực tham gia phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
“Đại hội Đảng bộ thị trấn Đa Phước lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030, (đại hội điểm) là đại hội của Đoàn kết - Kỷ cương - Năng động - Phát triển. Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Đa Phước quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, thống nhất, chung sức chung lòng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, xây dựng thị trấn ngày càng văn minh, giàu đẹp” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đa Phước Nguyễn Ngọc Huynh nhấn mạnh.
|
Định hướng phát triển
Đa Phước có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất quan trọng: Nằm giữa sông Hậu và sông Châu Đốc, giáp ranh thị trấn An Phú, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Đây là tiền đề quan trọng để thị trấn phát huy lợi thế, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch. Là thị trấn mới được thành lập đang trong quá trình đô thị hóa, nên nhu cầu về nhà ở, xây dựng, đầu tư sẽ tăng lên, tạo thuận lợi cho mời gọi đầu tư dự án, công trình phát triển KTXH.
Thị trấn tập trung vận dụng hiệu quả, linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước phù hợp thực tế địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng KTXH. Thực hiện tốt chính sách phát triển, lĩnh vực văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Huynh cho biết, thị trấn sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính với phương châm “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”.
Năm 2018, Đa Phước được UBND tỉnh công nhận đô thị loại V. Năm 2021, UBND huyện An Phú phối hợp đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, xây dựng đề án thành lập thị trấn Đa Phước. Quá trình thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ sở, ngành tỉnh, nên đề án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thành lập thị trấn Đa Phước, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023. Đây không chỉ là vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Đa Phước, mà còn là tự hào, phấn khởi của huyện An Phú. Kết quả này là công lao của nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương, nhất là vai trò của Nhân dân đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí, phong trào.
|
HỮU HUYNH