Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu, chúc mừng thành công Đại lễ Vesak 2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sau 3 ngày làm việc với nhiều chương trình thảo luận, ngày 14-5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2019 đã bế mạc.
Sự kiện tôn giáo quan trọng này đã thu hút được sự quan tâm của báo chí quốc tế.
Trang Buddhistdoor Global của Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin Đại lễ Vesak lần thứ 16 đã kết thúc thành công tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc sau 3 ngày làm việc với 5 hội thảo quốc tế.
Theo bài báo, đây là những diễn đàn để đại diện tôn giáo các nước thảo luận về sự lãnh đạo có chính nhiệm vì hòa bình bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Khoảng 398 đại diện nước ngoài và trong nước cùng các phật tử đã chia sẻ ý kiến tại các hội thảo này.
Bài báo còn nhấn mạnh, lãnh đạo nhiều nước, đại diện các tổ chức quốc tế đã gửi lời chúc và thông điệp nhân dịp Đại lễ Vesak 2019 diễn ra tại Việt Nam.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cho rằng lời dạy của Phật như là nguồn cảm hứng hướng tới một thế giới hòa bình.
Ông Guterres nhấn mạnh trong bối cảnh sự bất bình đẳng ngày càng tăng và sự độ lượng càng bị thu hẹp, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng nhân dịp Vesak 2019, thế giới hãy cùng nhau làm mới cam kết về xây dựng một thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả.
Cùng ngày, trang AsiaNewsNetwork đưa tin chủ đề cách mạng công nghiệp 4.0 được nêu bật trong khuôn khổ Vesak 2019.
Với tiêu đề "Phật giáo hướng tới thích ứng với Cách mạng 4.0," bài báo đã dẫn ý kiến của đại diện tôn giáo của nhiều nước về cách thức Phật giáo thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và việc sử dụng công nghệ nhằm bảo tồn các giá trị của Phật giáo.
Bài báo dẫn lời học giả Simerjit Kaur, thuộc Khoa nghiên cứu Phật giáo, trường Kalindi, Đại học Delhi (Ấn Độ) cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều sự thay đổi trong mọi khía cạnh cuộc sống.
Học giả Kaur đã đề cập đến mức độ và phạm vi các lợi ích mà con người được hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời chỉ ra những thách thức xã hội như sự phát triển đô thị, các khu nhà ổ chuột, sự tuyệt vọng và tình trạng phân biệt chủng tộc.
Trong bối cảnh này, những nguyên tắc, giá trị của Phật giáo cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể hỗ trợ giúp giải quyết các vấn đề do con người tạo ra.
Trong khi đó, ông William Beaumont Edwards thuộc Trung tâm phát triển Phật giáo (Mỹ) bày tỏ tin tưởng về sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Phật giáo trong việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông cho rằng Phật giáo, không như nhiều tôn giáo khác, hoàn toàn có đủ khả năng để thích ứng và vượt qua mọi thay đổi của xu hướng này.
Đây là lần thứ ba Việt Nam đăng cai Vesak, sau hai lần tổ chức thành công vào các năm 2008 và 2014.
Theo THANH HƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)