Đảm bảo an toàn tại chợ truyền thống

12/05/2023 - 06:07

 - Hiện nay, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Cùng với đó, ngành chức năng, địa phương tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… tại chợ.

Vẫn còn trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề đường

Được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm “Chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, chợ Cái Tàu Thượng (thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) trở thành điểm mua sắm tin cậy của bà con nhân dân thị trấn và địa phương lân cận.

Chợ có tổng diện tích hơn 2.500m2, với 72 kios, mua bán các mặt hàng kim khí điện máy, quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm, bách hóa tổng hợp… Ngoài ra, chợ có khu vực nhà lồng chợ cá; bán rau cải; bán quần áo may sẵn, tạp hóa; bán hàng ăn uống; bán gạo và khu vực tiền chế để xe.

Đồng thời, chợ còn được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kinh doanh của tiểu thương bảo đảm an toàn thực phẩm. Khu bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín được bố trí riêng biệt. Cùng với đó là hệ thống cấp thoát nước, khu nhà vệ sinh; hệ thống điện, phòng cháy, chữa cháy...

Bên cạnh đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, các tiểu thương trong chợ còn thường xuyên được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; được trang bị kỹ năng bán hàng và các vấn đề liên quan đến văn minh thương mại. Nhờ vậy, việc mua bán luôn được đảm bảo. Hàng hóa chất lượng, đến tay người tiêu dùng an toàn.

Tương tự, chợ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) cũng đẩy mạnh đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, tổng diện tích 830m2, phân bố thành 9 khu vực kinh doanh; 1 bãi trông giữ xe trên 150m2.

Chợ có 236 lô và hộ kinh doanh, trong đó 32 lô tạp hóa, 44 lô bách hóa; 160 hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm, nông sản… Khoảng 50 hộ kinh doanh không thường xuyên được bố trí, sắp xếp tại khu vực bán kiên cố.

Toàn bộ khu vực chợ được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật; các trang thiết bị phục vụ kinh doanh của tiểu thương; hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh. Hàng hóa trong chợ đều có bao bì, nhãn mác đầy đủ. Nông sản, thực phẩm tươi sống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khu vực kinh doanh hay lối đi xung quanh được vệ sinh sạch sẽ. Hoạt động của tổ quản lý chợ được tăng cường, thường xuyên giám sát thực phẩm kinh doanh…

Bà Lê Thị Ngọc Bích (người dân địa phương) chia sẻ: “Tôi thấy chợ Ba Chúc được bố trí khá bài bản, sạch sẽ. Thực phẩm tươi ngon, nên tôi an tâm đến mua hàng ngày”.

Từ những thực tế trên có thể thấy, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng chợ theo hướng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị quản lý chợ, tiểu thương và người tiêu dùng. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh diễn ra thường xuyên. Điều này khiến việc kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn diễn ra tại một vài chợ truyền thống.

Do đó, cùng với sự vào cuộc nghiêm, “mạnh tay” xử lý trường hợp cố tình vi phạm, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Đồng thời, nghiên cứu bố trí, sắp xếp địa điểm kinh doanh phù hợp, nhằm hạn chế vi phạm trật tự đô thị, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị; triển khai giải pháp đồng bộ, như: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình…

MINH ĐỨC