Đảm bảo an toàn thực phẩm nông, thủy sản

13/06/2024 - 08:08

 - Qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát cho thấy, việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng tốt hơn. Dù hoạt động kinh doanh có những lúc khó khăn nhưng các cơ sở không vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra

Nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị, địa phương đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai công tác quản lý ATTP. Đồng thời, phối hợp báo, đài tăng cường tuyên truyền; thực hiện 4 lớp tập huấn, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới và TP. Châu Đốc, tập trung vào Luật ATTP và các nghị định triển khai của Chính phủ; Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT, ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã số hồ sơ đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam; Thông tư 24/2019/TT-BYT, ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm...

Sở NN&PTNT An Giang đã thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra tuyến tỉnh, có sự tham gia của Công an tỉnh, Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, cùng các đơn vị liên quan. Đồng thời, cử công chức tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành ATTP, do Sở Y tế chủ trì. Đối với đoàn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024, đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 8 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản tại huyện Châu Thành, Châu Phú và TP. Châu Đốc, thực hiện lấy 6 mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng ATTP (mắm cá lóc, mắm cá lóc sỏi, chả bò, tương ớt, lạp xưởng heo và mắm cá chốt). Kết quả, chỉ phát hiện 1 mẫu mắm cá lóc nhiễm kháng sinh cấm Enrofloxacin (1,69mg/kg) và Ciprofloxacin (3,78mg/kg).

Kiểm tra an toàn thực phẩm nông, thủy sản

Qua kiểm tra chất lượng thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn dùng trong chăn nuôi và thủy sản đối với 2 cơ sở tại huyện Phú Tân và thu 1 mẫu thuốc thú y, Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang ban hành 1 quyết định xử phạt 300.000 đồng, với vi phạm kinh doanh thuốc thú y có bao bì hàng hóa không phù hợp. Trong công tác kiểm tra việc kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) năm 2024, qua triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản của 8 hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra đã thu 3 mẫu (2 mẫu phân bón và 1 mẫu thuốc BVTV). Kết quả, có 2 cơ sở vi phạm lĩnh vực thuốc BVTV (về thông tin ghi trên nhãn có chữ viết, hình ảnh không đúng bản chất, hướng dẫn sử dụng không đúng nội dung), bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 19 triệu đồng.

Kiểm soát an toàn thực phẩm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp cho biết, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, thanh, kiểm tra, các đơn vị chuyên môn của sở còn tập trung hỗ trợ các cơ sở, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP; phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, có 3 chi cục thuộc Sở NN&PTNT An Giang (Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và BVTV), 11 Phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố đang cập nhật thông tin phản hồi từ các đơn vị để làm dữ liệu cho việc thu mẫu, hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo Quyết định 3075/QĐ-BNNPTNT-QLCL, ngày 20/7/2016 của Bộ NN&PTNT. Triển khai Kế hoạch 57/KH-SNNPTNT, ngày 6/5/2024 của Sở NN&PTNT về xây dựng vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ năm 2024, các đơn vị đang cập nhật nhu cầu đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng, ATTP, tổ chức lớp đào tạo cấp giấy chứng nhận HACCP, đào tạo TOT và sẽ tổ chức triển khai đào tạo trong thời gian tới.

Thực hiện Kế hoạch 02/KH-SNNPTNT, ngày 10/1/2024 của Sở NN&PTNT An Giang về thực hiện Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi năm 2024 trên địa bàn tỉnh, trong tháng 5, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã thực hiện thu 24 mẫu, gồm: 19 mẫu cá tra thương phẩm và 3 mẫu cá tra nhỏ, 1 mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm, 1 cá lóc thương phẩm để phân tích các chỉ tiêu về ATTP; kết quả phân tích đạt yêu cầu. Qua thu 12 mẫu rau, củ, quả các loại để phân tích 20 chỉ tiêu ATTP, kết quả phân tích 12/12 mẫu đạt yêu cầu.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp, qua kết quả kiểm tra, các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định của của pháp luật về ATTP, cũng như điều kiện sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đáp ứng đúng quy định. Phần lớn các mẫu sản phẩm được đoàn kiểm tra lấy mẫu đạt các chỉ tiêu về ATTP, góp phần cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Trong hoạt động kiểm tra, các đoàn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền quy định pháp luật về ATTP đến cơ sở sản xuất - kinh doanh biết thực hiện; từng bước nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh thực phẩm, góp phần hạn chế đáng kể các trường hợp vi phạm phát sinh.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác này, Sở NN&PTNT đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền các quy định hiện hành về lĩnh vực ATTP đến các cơ sở, DN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình kinh doanh, sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản thuộc phạm vi đã được phân công, phân cấp tại Quyết định 58/2019/QĐ-UBND, ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về ATTP nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

NGÔ CHUẨN