Đã nói là bánh quê thì… có hàng trăm món, từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở đâu cũng có vị bánh quê đặc trưng của vùng, miền ấy. Với bánh quê Nam Bộ, những loại bánh không cầu kỳ cả về cách chế biến, tên gọi và mộc mạc đến cả cách ăn nhưng lại làm thực khách lưu luyến mãi không quên.
“Đừng nói là bánh kẹp, bánh tét, bánh ít, bánh bò các thứ, ngày xưa bà ngoại đều “truyền nghề” hết cho mẹ. Ngày đó, mỗi lần nhà có đám giỗ, đám cưới hay lễ, Tết là bà ngoại lại xay bột làm bánh. Khi thì bánh kẹp, lúc lại bánh xèo, bánh chuối… Có khi, chỉ là muốn ăn thì bà ngoại làm bánh thôi, chẳng đợi dịp gì. Mỗi lần như vậy, mẹ với các dì mừng vui lắm vì sắp được mẹ “dạy nghề”, quan trọng là sắp được ăn bánh no nê. Vừa có bánh ngon cho ông ngoại tiếp đãi khách với trà nóng, lại đỡ tốn tiền mua bánh chợ cho đám con, đôi khi còn mang biếu cả hàng xóm gọi là ăn lấy thảo. Vậy nên, ngoại bây thích làm bánh lắm! Giờ mà thấy mấy món bánh ấy, mẹ nhớ đến bà da diết!” - đó là ký ức của mẹ tôi về các loại bánh quê. Đến tận bây giờ, bà vẫn kể rất rành mạch công thức làm từng loại bánh quê mà ngoại truyền cho. Buồn có, vui có nhưng với mẹ, tất cả đều là kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Nghe mà nhớ thương ngoại quá đỗi…!
Dân gian vẫn truyền nhau nhiều bài ca dao, tục ngữ, vè dễ thương… về các loại bánh quê như: “Ai ham trồng kiểng thì mê bánh bông lan/ Còn như bánh tráng thì để hàng trai tơ/ Ai mà hảo ngọt thì ăn bánh cam,…/Con quạ nó đứng chuồng heo/ Nó kêu: bớ má, bánh bèo chín chưa ?”. Nói đến các món quê thì cách chế biến được nhiều người quan tâm nhất. Chính bởi sự đơn giản, không phức tạp nhưng để có được mẻ bánh ngon đòi hỏi sự khéo léo rất nhiều. Như món bánh tai yến của miền Tây, tuy tên gọi có hơi lạ lẫm nhưng bánh có cách làm đơn giản. Chỉ cần đường, bột gạo, bột năng và một chút nước cốt dừa là có thể làm ra chiếc bánh tai yến thơm ngon, đẹp mắt. Tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, vì chiếc bánh tai yến ngon đúng chuẩn phải có màu vàng cánh gián, viền bánh giòn và chính giữa bánh mềm, dai để khi bẻ ra, bánh giữ được độ dẻo, mềm, không bị ỉu, kể cả để lâu ngoài trời.
Bánh quê dân dã cả cách chế biến và tên gọi
Không chỉ ở quê, món bánh tai yến ngày nay vẫn rất được ưa chuộng ở chốn phố thị. Bánh quê còn là các loại bánh cam, bánh còng, bánh bèo… đã ăn 1 lần là nhớ mãi không thôi. Bánh cam cũng được làm từ bột nếp và bột gạo. Nhân bánh thường là đậu xanh quết nhuyễn, trên mặt bánh được phủ một lớp đường dẻo được thắng vàng óng như mạch nha và mè thơm. Cắn vào miếng bánh nghe tiếng lớp mật đường vỡ ra khiến nhiều người thích thú. Vỏ bánh giòn bên ngoài cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên của loại bánh quê này.
Riêng món bánh kẹp, chỉ nghe cái tên thôi là có thể mường tượng cách chế biến… thế nào cũng phải dùng khuôn kẹp lại mới thành bánh. Bánh kẹp được xem là thức ăn quà vặt dân dã và đậm vị miệt vườn. Bởi, tất cả nguyên liệu làm nên mẻ bánh thơm nức đều dễ dàng tìm gặp. Chỉ cần bột gạo, nước cốt dừa, đường, trứng, ít dầu và một cái khuôn nướng bánh, thế là đủ để cho ra đời mẻ bánh thơm thảo, giòn tan. Đơn giản như vậy, nhưng khi đem bày lên dĩa, dùng chung với tách trà tỏa khói mà bàn chuyện ruộng đồng, chuyện tình làng nghĩa xóm thì ôi, cái “tình làng nghĩa xóm” càng thấm chặt biết bao!
Với mẹ, món hay làm ngày xưa với bà, nhất là món bánh kẹp ống. Mẹ nói, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự để tâm và tỉ mỉ của người thợ. Đơn giản như việc canh lửa chiếc bánh, nếu lơ đãng sẽ bị khét liền. Bánh vừa chín vàng, mở khuôn bánh kẹp ra, dùng 1 que tre cuốn nhanh chiếc bánh lại rồi cho vào hộp thiếc bảo quản là công đoạn mẹ và các dì thích nhất. Nếu cuốn không nhanh tay, không khéo thì bánh không đẹp. Đặc biệt, bánh nguội không bao giờ cuốn được nên phải tranh thủ cuốn bánh trên bếp. “Mẻ bánh đầu tiên mấy chị em cứ tranh nhau, chạy ùa ra sân ăn vì sợ bà ngoại rầy!” - mẹ tôi nhớ lại.
Cứ thế, các món bánh quê âm thầm tồn tại và có sức sống mạnh mẽ theo thời gian. Bởi chúng khá dễ tìm mua từ chợ quê đến chợ phố. Dăm ba ngàn là đã làm người ăn no bụng nhưng cái hương quê thì còn đọng mãi trong tiềm thức biết bao người…
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN