Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, xác định công tác truyền thông, tuyên truyền là giải pháp quan trọng, vừa song hành trong thực hiện triển khai xây dựng NTM, vừa thông tin các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn, phản ánh thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng NTM. Vì vậy, các hình thức truyền thông, tuyên truyền được tỉnh và các địa phương triển khai đa dạng với sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể nhằm chuyển tải một cách sâu sắc, thiết thực nhất những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM tới mọi tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền đi liền với giám sát, đôn đốc và biểu dương, ghi nhận, động viên và kịp thời khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo tại mỗi đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư…
Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị, đề xuất của người dân trong quá trình thực hiện để có những chỉ đạo thực hiện cụ thể, hiệu quả và điều chỉnh các nội dung phù hợp.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Châu Phú
UBND tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch hàng năm, giai đoạn trên cơ sở nghị quyết và chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh luôn quan tâm lắng nghe, tranh thủ sự hiến kế của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng NTM; chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các chương trình, dự án và nguồn kinh phí triển khai thực hiện.
Vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự của địa phương. Phát triển NTM phải gắn với việc khai thác triệt để thế mạnh của địa phương, như: Phát triển du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; phát triển mới các khu, cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bên cạnh đó, đánh giá đúng tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân; phải tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ và lắng nghe sự hiến kế của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng NTM. Khéo léo và khoa học trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa, trong dân từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, các tổ chức xã hội.
Việc huy động đóng góp của Nhân dân do chính người dân ở địa phương bàn bạc, quyết định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, không quá sức dân. Kịp thời phát hiện và tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp, cách làm hay, sáng tạo để động viên, khích lệ tinh thần, nhân rộng phong trào trong quần chúng nhân dân.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn; có 71/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM (đạt tỷ lệ 64,54%); 29 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh, được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận 8 ấp đạt chuẩn ấp NTM. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có thêm 16 xã NTM; 12 xã NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 46 ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp NTM; thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng; 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong xây dựng NTM, góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố và nhân lên niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
TRỌNG TÍN