Đảng bộ tỉnh An Giang xây dựng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới - Kỳ cuối: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảng viên; rà soát đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng

21/10/2022 - 10:21

 - Công tác phát triển đảng viên mới và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Đảng bộ tỉnh An Giang luôn xác định việc rà soát, sàng lọc và kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc làm cần thiết và thường xuyên, góp phần không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đảng bộ tỉnh.

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) bằng Chương trình hành động số 11-CTr/TU, ngày 07-02-2017 xác định rõ mục tiêu, quan điểm thực hiện nghị quyết, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện; phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện đối đảng đoàn, ban cán sự các cơ quan nhà nước và các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh. Tổ chức hội nghị triển khai cho hơn 500 đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Các cấp ủy đảng trực thuộc Tỉnh ủy cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và tổ chức triển khai quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả toàn đảng bộ tỉnh đã tổ chức 518 lớp với 58.713/59.654 đảng viên dự học, đạt tỷ lệ 98,4%.

Cấp ủy các cấp đã tiếp tục chủ động phối hợp với lãnh đạo chính quyền cùng cấp lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, phương pháp công tác, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị để bàn biện pháp khắc phục, tạo chuyển biến rõ nét. Tiếp tục nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 06-7-2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" để nâng cao ý thức, trách nhiệm và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở địa phương. Qua đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực hiện là những tấm gương sáng; đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng đã kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương… góp phần phát huy tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, đẩy lùi một bước những biểu hiện tiêu cực được Nhân dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được thực hiện nghiêm túc gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý hằng năm, nhất là những tập thể, cá nhân có dư luận chưa tốt sẽ được Ban Thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện gợi ý và tiến hành kiểm điểm sâu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình còn là căn cứ để xem xét, rà soát, sàng lọc những cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, giảm sút ý chí chiến đấu ra khỏi đảng. Nhìn chung, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tự phê bình và phê bình của đảng viên trong đảng bộ đã có những chuyển biến tích cực, nhiều cán bộ tự đánh giá đúng về ưu điểm, hạn chế của bản thân, tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, từ đó đề ra giải pháp để hoàn thiện bản thân, đa số ý kiến phê bình tập trung giúp đồng chí, đồng nghiệp khắc phục hạn chế, sửa chữa sai sót, khiếm khuyết, đóng góp với tinh thần xây dựng góp phần xây dựng chi, đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, căn cứ theo 27 biểu được nêu trong Nghị quyết, cấp ủy, bí thư chi bộ cơ sở phổ biến cho từng cán bộ, đảng viên nhận diện được các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Từng cán bộ, đảng viên xác định rõ các biểu hiện suy thoái và hàng năm đều có bản cam kết không vi phạm các biểu hiện suy thoái để gửi chi bộ. Đa số cán bộ, đảng viên đều chấp hành tốt việc đăng ký, cũng như không vi phạm vào 27 biểu hiện suy thoái. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít những trường hợp cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt, chưa nhận diện được các biểu hiện nên để vi phạm, tính từ năm 2016 đến năm 2021 có các trường hợp vi phạm: vi phạm về tư tưởng chính trị có 22 đảng viên, vi phạm về đạo đức, lối sống có 16 đảng viên, vi phạm "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" có 03 đảng viên.

Hội nghị tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm và nghiêm túc tổ chức trai khai thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị theo chương trình, kế hoạch đề ra. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm như: quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu mua sắm tài sản, sử dụng các nguồn quỹ và công tác cán bộ… Trong các cuộc kiểm tra, giám sát, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn kết hợp kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quá trình kiểm tra, giám sát có sự phối hợp tốt giữa ủy ban kiểm tra cấp ủy với các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành trong khối nội chính, đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành dân chủ, chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, quy trình, phương pháp quy định. Việc cung cấp và công bố kết quả sau kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng vi phạm, xử lý vi phạm được cấp ủy và ủy ban kiểm tra thực hiện đúng theo quy định của Đảng.

Sẵn sàng đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU, ngày 08-4-2019 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 78-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị; tiến hành thực hiện việc rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ đảng viên để phân tích đánh giá và có giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; đồng thời sàng lọc và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Năm 2020, qua củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy huyện đã xóa tên 144 đảng viên (bao gồm cả đảng viên chính thức và đảng viên dự bị) và cho ra khỏi Đảng theo đơn xin 259 đảng viên. Qua 10 năm số lượng đảng viên bị xóa tên và cho ra khỏi Đảng tăng dần, đây là vấn đề Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp luôn quan tâm và tìm giải pháp khắc phục, đa phần các đảng viên đều rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn, bỏ địa phương đi làm ăn xa, không tham gia sinh hoạt đảng.

Với phương châm công tác sàn lọc đảng viên cần được tiến hành kiên quyết nhưng thận trọng, khách quan, đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo đạt mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải kiểm tra, phân tích, đánh giá đúng chất lượng đảng viên, nhất là tổ chức cho mỗi đảng viên tự phê bình kết hợp với nhận xét, đánh giá của chi bộ, phê bình, góp ý của quần chúng và kiểm tra của cấp trên, để có biện pháp xây dựng đội ngũ đảng phù hợp với tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang đề nghị toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua và thực hiện 06 nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới. Trong đó, triển khai, thực hiện nghiêm túc chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; đẩy mạnh sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triêt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nêu lên 03 quan điểm trong Nghị quyết 21, trong đó nhấn mạnh: "Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng".

Với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp và toàn ngành tổ chức xây dựng đảng trong Đảng bộ tỉnh An Giang phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng của tỉnh.

THANH PHÁT