Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng
Với gần 100km đường biên, nhiều đường mòn, đường sông… nhưng có hàng triệu “tai mắt”, hàng triệu “ăng-ten” là quần chúng nhân dân, tuyến biên giới An Giang mới có thể giữ vững chủ quyền, an ninh trong mọi tình huống, không để dịch COVID-19 xâm nhập vào biên giới, lây lan ra cộng đồng. Họ xứng đáng là những “cột mốc sống”, những “chiến sĩ không quân hàm” trong công cuộc bảo vệ đường biên, cột mốc, trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, nhà nước, quân đội. Người dân khu vực biên giới được gửi gắm vai trò quan trọng không thể thiếu, bởi chỉ có nỗ lực của ngành chức năng, “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”. Chỉ khi từng người nâng cao tinh thần cảnh giác; không tham gia, tiếp tay, bao che cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, thì “cuộc chiến” chống dịch mới thành công.
Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang, cho biết: “Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các loại tội phạm biên giới càng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động, sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng truy đuổi. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị trực thuộc nắm chắc địa bàn, chủ động xác lập chuyên án, vụ án để đấu tranh triệt phá các loại tội phạm (nhất là các đường dây buôn bán ma túy quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia). Trong đó, quan trọng nhất là đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; vận động nhân dân tích cực tố giác tội phạm, không tiếp tay cho tội phạm ở khu vực biên giới”.
Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, 855 hộ dân (tỷ lệ 100%) có đất sản xuất sát biên giới đồng thuận ký cam kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Chính quyền địa phương ra quyết định công nhận 51 tập thể, 1.287 hộ gia đình, 8 tổ “xe ôm”... Những lực lượng “tại chỗ” này góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong nỗ lực xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Ông Ngô Thái Bạch (71 tuổi, ngụ ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, huyện An Phú) chia sẻ: “Nếu người dân không chung tay góp sức; xem chuyện chống dịch là chuyện của nhà nước, của bộ đội, đến bao giờ mới hết dịch? Tôi là giáo viên hưu trí, thường xuyên theo dõi tình hình thời sự trong nước, quốc tế, thuộc nằm lòng từng quy định phòng, chống dịch. Gặp ai, tôi cũng chia sẻ để họ cùng nắm, cùng hiểu, cùng thực hiện. Chỉ khi bà con hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh, mới tự giác nâng cao ý thức phòng tránh dịch. Ở xóm tôi bây giờ, hễ thấy người lạ lảng vảng là bà con gọi điện thoại ngay cho bộ đội, chính quyền địa phương”.
Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 13 Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) nằm kế căn chòi đơn sơ của người dân. Chị Thu (43 tuổi) và chồng ra ruộng giữ lúa, tạm sinh hoạt trong chòi. Từ khi Chốt được dựng lên, từ cái máy bơm nước đến xuồng ghe, giúp được gì cho bộ đội, vợ chồng chị luôn sẵn lòng. “Tôi thấy thương mấy chú bộ đội, vất vả đủ thứ. Vợ chồng tôi đi làm ruộng, tối về cơm nước xong là ngủ ngon lành. Còn bộ đội phải chia nhau thức, đi tuần tra xung quanh, làm gì được ngủ nghỉ đầy đủ. Vì vậy, hễ có thông tin, động tĩnh ở khu vực biên giới, chúng tôi đều báo cho bộ đội, nhờ đó đã phát hiện, bắt giữ mấy trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép” - chị Thu bày tỏ.
Mối quan hệ hài hòa giữa quân - dân, giữa quần chúng - đảng viên khu vực biên giới càng hài hòa bao nhiêu, thì sự đồng tâm hiệp lực càng lớn lao, càng tạo ra sức mạnh đại đoàn kết bấy nhiêu. “UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới ý thức phòng, chống tội phạm, ý thức phòng chống dịch bệnh, ý thức tố giác người qua lại biên giới trái phép phải trở thành thường xuyên, phải trở thành ý thức tự giác của người dân ở vùng biên. Ngược lại, chính quyền và mặt trận, đoàn thể cũng phải đảm bảo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biên” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Chung tay “đắp lũy, xây thành”
Những ngày này, về biên giới An Giang sẽ cảm nhận rõ ràng tình cảm quân dân “cá - nước”, thể hiện từ những đóng góp lớn lao về vật chất, đến mỗi gói mì, mớ rau xanh cho bộ đội thêm sức “chống giặc”. Bấy nhiêu đó đủ để thấy tinh thần “Tương thân tương ái”, lòng yêu nước nồng nàn của người dân, nhất là trong thời khắc khó khăn của đất nước. Họ dùng tình cảm, dùng mọi thứ mình có, chung tay “đắp lũy, xây thành” cho biên cương.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang là đơn vị sát cánh cùng các lực lượng phòng, chống dịch nơi tuyến đầu biên giới. Các chị xứng đáng là “hậu phương vững chắc” cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nơi tuyến đầu. Suốt mùa dịch đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã ủng hộ vật chất, tiền mặt phục vụ công tác phòng, chống dịch cho lực lượng nơi tuyến đầu với số tiền hàng tỷ đồng. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Lê Bích Phượng cho biết: “Không những vậy, toàn tỉnh duy trì 21 “Tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới” với 324 thành viên tham gia. Các Tổ góp sức, “chia lửa” với CBCS BĐBP; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên và nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, phòng, chống dịch COVID-19”.
Các cháu thiếu nhi trên địa bàn TP. Long Xuyên lại có cách ủng hộ các chú bộ đội theo cách rất riêng, rất đáng yêu. Chị Trương Thanh Thủy, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh An Giang chia sẻ: “Khi xem trên ti-vi, mạng xã hội, các em thấy chú bộ đội, các y, bác sĩ mang khẩu trang quá lâu, dẫn đến các vết hằn xuất hiện ở vùng da phía sau tai, hai bên má và sống mũi. Các em đang nghỉ hè, có nhiều thời gian nên nảy ra ý tưởng “xóa” vết hằn ấy”. Vậy là, thay vì tham gia các hoạt động sinh hoạt hè như mọi năm, thiếu nhi chuyển sang tham gia chương trình “Em cùng góp sức” do Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang phát động.
Các em tiết kiệm tiền mua vật liệu làm tai giả cho khẩu trang để gửi ra tuyến đầu biên giới. 2 chị em Phạm Bá Tuệ Trân (lớp 7) và Phạm Bá Bảo Trân (lớp 2) đập ống heo, lấy tiền tiết kiệm, cặm cụi thiết kế tai giả theo hướng dẫn của Nhà Thiếu nhi tỉnh. Tuệ Trân cho biết: “Các bạn của con, đứa thì đập ống heo, đứa thì xin tiền ba mẹ để làm tai giả khẩu trang ủng hộ các chú bộ đội. Làm được chuyện có ích, tụi con vui lắm!”.
“Những việc làm của các em nhỏ có ý nghĩa rất lớn. Những chiếc dây mới được thiết kế sẽ giúp cho chiến sĩ thuận tiện hơn trong công việc. Nhà thiếu nhi đã thiết kế, làm và trao tặng 6.400 tai giả khẩu trang, 16.000 tấm chắn giọt bắn để tặng cho các chiến sĩ trên biên giới và các điểm cách ly y tế trên địa bàn tỉnh” - chị Thúy cho biết thêm.
“Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của CBCS nơi tuyến đầu biên giới, các cấp, các ngành và nhân dân luôn dành tình cảm ưu ái, sự quan tâm đặc biệt đến chúng tôi. UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cấp đầy đủ thùng trữ nước sinh hoạt. UBND huyện, thị xã, thành phố biên giới xây dựng chốt, lắp cột thu lôi chống sét. Tỉnh đoàn An Giang lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho các chốt, có những nơi đã làm giếng khoan. Các đoàn công tác trong và ngoài tỉnh thường xuyên cung cấp vật tư y tế, nhu yếu phẩm... đảm bảo tốt nhất cho CBCS sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ” - đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang bày tỏ.
Chúng tôi gặp lại ông Đỗ Văn Nhẫn (ngụ ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên), người thiết kế Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 vượt lũ kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Sau khi thành công, ông đã huy động người nhà, hàng xóm tiếp tục giúp Đồn Biên phòng Nhơn Hưng xây dựng tất cả các chốt còn lại, không lấy tiền công. Khi chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông thường xuyên tặng rau, củ, quả cho CBCS. “Khi dịch bệnh đỡ hơn, tôi sẽ lại thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ, tiếp tế vật chất cho CBCS các tổ, chốt trên biên giới. Dù nhiều dù ít, đều là tấm lòng thơm thảo, yêu thương của tôi gửi tặng bộ đội” - ông Nhẫn chia sẻ.
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong gian khó, càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, với nhiều lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần đại đoàn kết, vững vàng niềm tin chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Cũng từ trong gian khó, chính quần chúng nhân dân là “điểm tựa”, là “hậu phương” vững chắc để đảng viên “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu biên giới yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH - CHIẾN KHU
Thiết kế hình ảnh: TRUNG HIẾU