Đánh đổi chỉ vì 260.000 đồng

06/02/2018 - 01:20

 - Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Đỗ Xuân Trịnh (ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Phú, Châu Phú) trông già hơn tuổi 32 rất nhiều. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tin học quản lý, chỉ vì túng thiếu, Trịnh vi phạm pháp luật. Đáng buồn, từ sai lầm này, 2 người thân của Trịnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trịnh không tìm được việc làm ổn định nên đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Trải qua nhiều nghề, lưu lạc nhiều nơi, anh ta tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Tháng 3-2017, anh ta sống như vợ, chồng với N.T.T.Ng (sinh năm 2000), nhưng do Ng. chưa đủ 18 tuổi nên cả 2 không đăng ký kết hôn.

Mấy tháng sau, cả 2 quyết định đi TP. Hồ Chí Minh làm thuê, tìm cách trang trải số nợ đang thiếu. Túng quẫn đến mức, có lần anh ta vào một trang web mua bán tiền giả, để lại tin nhắn: “Mình thiếu nợ nhiều quá, cùng đường rồi. Có 1 tỷ không, gọi tôi giao dịch 01643…”.

Từ trái sang: Hường, Tiến, Trịnh

Ngày 29-8-2017, Trịnh và Ng. ở trọ tại quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh), nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. “Tranh thủ” lúc rảnh rỗi, Trịnh tìm hiểu trên mạng và quyết định làm tiền giả để tiêu thụ.

Không có nguyên liệu polymer, anh ta chọn làm giả tiền giấy mệnh giá 5.000 đồng. Địa điểm thực hiện là căn phòng trọ đang ở, còn các phương tiện gồm: Laptop, 2 loại máy in màu, giấy A4 và 4 tờ tiền thật. Cách làm khá đơn giản: scan tiền thật, dùng phần mềm Photoshop chỉnh sửa hình ảnh, sau đó in ra khổ giấy A4 và cắt thành từng tờ.

Tuy nhiên, anh ta phải tốn công chỉnh sửa hình ảnh rất nhiều lần sao cho giống tiền thật nhất, phải in để mặt trước và mặt sau tờ tiền giả khớp với nhau. Đến khi tờ tiền giả trông giống thật, anh ta nhúng vào nước trà đặc, phơi khô, vò nhàu…để chúng có vẻ cũ.

Sau 2 ngày, anh ta đã làm ra được hơn 50 tờ tiền giả mệnh giá 5.000 đồng. Thấy Trịnh cứ loay hoay làm công việc trên gác, Ng. hỏi chuyện. Trịnh trả lời rằng “do hoàn cảnh khó khăn nên mới đi vào con đường này”. Không những không ngăn cản, Ng. còn giúp Trịnh một vài công đoạn.

Có tiền giả rồi, Trịnh không dám đem đi tiêu thụ. Mấy lần cầm tiền đi đến nơi, chuẩn bị mua đồ thì anh ta sợ hãi quay trở về. Trong lúc này, bà Trần Thị Tuyết Hường (sinh năm 1978, mẹ Ng.) gọi điện thoại, than thở hoàn cảnh khó khăn của gia đình ở quê. Trịnh quyết định gửi số tiền này về quê, nhưng nói rõ với bà Hường, đó là tiền giả nếu muốn xài thì phải trộn cùng tiền thật, mua hàng hóa có giá trị nhỏ.

Sáng 31-8-2017, bà Hường nhờ Trần Thị Kim Tiến (sinh năm 1983, em gái) đến nhà xe, lấy “hộp quà” Trịnh gửi về. Nhận được tiền giả, bà Hường lấy các tờ tiền thật mệnh giá từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng (do bán rau, bún mà có) trộn với tiền giả.

Đến chiều, bà Hường rủ Tiến đi chợ Châu Phú, nhờ Tiến mua dùm thuốc lá bằng mớ tiền thật giả lẫn lộn này. Bà dặn dò rõ: “Nhớ mua thuốc lá tại 2 tiệm, mỗi tiệm 2 cây thôi. Xài cho khéo, lẹ tay để người bán không phát hiện”.

Tiến cầm tiền, đi bộ vào chợ, mua 2 cây thuốc Nelson, giá 192.000 đồng tại tiệm của ông T.Đ.M.H (sinh năm 1961), rồi sang tiệm của bà N.T.H.D (sinh năm 1972) mua thêm 2 cây thuốc.

Ông H. thấy người phụ nữ này vừa mua 2 cây thuốc của mình, lại đi đến tiệm khác (cách đó chưa đến 6-7m) mua thêm 2 cây nữa, nên sinh nghi. Kiểm tra lại, thấy tiền lúc nãy có tiền giả mệnh giá 5.000 đồng, ông tri hô, lấy xe máy đuổi theo, nhờ người chặn Tiến rồi trình báo địa phương.

Nghe mẹ vợ thông báo tin xấu, Trịnh hoảng sợ, phi tang và cất giấu các phương tiện làm tiền giả nhiều nơi, xóa bỏ dữ liệu liên quan trong máy tính. Tuy nhiên, vụ việc bại lộ, Trịnh và Hường nhanh chóng ra đầu thú. Dù vậy, sợ khai làm tiền giả sẽ khiến tội nặng hơn, sợ liên lụy tới Ng., cả Trịnh lẫn Ng. đều khai đại là “mua tiền giả trên mạng”.

Sau khi được giáo dục, cả 2 mới thành khẩn khai báo. Trịnh bị truy tố về tội “Làm, lưu hành tiền giả”; bà Hường và Tiến bị truy tố về tội “Lưu hành tiền giả”. Riêng Ng., dù có giúp sức cho Trịnh, nhưng giữ vai trò không đáng kể, lại chưa thành niên. Ông N.T.B (sinh năm 1975, cha Ng.) che giấu hành vi phạm tội của con rể, nhưng chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy, cả 2 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị công khai giáo dục tại phiên tòa. Cuối cùng, Trịnh bị xử phạt 3 năm tù. Bà Hường và Tiến đều bị tuyên phạt 2 năm tù cho hưởng án treo, đồng thời bị thử thách 4 năm.

Khi thực hiện bài viết này, tôi cảm thấy rất tiếc cho Trịnh. Có trình độ học vấn cao, hiểu biết pháp luật, nhưng anh ta lại chọn con đường hoàn toàn sai lầm. Chỉ vì 260.000 đồng tiền giả, anh ta đã đánh đổi tự do của mình. Thời gian sẽ giúp Trịnh có điều kiện làm lại từ đầu, nhưng sẽ mất bao lâu để anh ta xóa bỏ vết đen này?

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG