Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương

31/03/2023 - 07:05

 - Để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh và cải thiện vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, những năm gần đây, An Giang có nhiều cải cách thiết thực. Kết quả, năng lực cạnh tranh của An Giang đã được cải thiện, nhưng cần nâng cao hơn nữa để đạt hiệu quả bền vững.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (gọi tắt là DDCI) thực hiện lần đầu tiên tại An Giang năm 2020 và Kế hoạch 32/KH-UBND, ngày 19/1/2022 về thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngày 30/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 173/KH-UBND triển khai DDCI năm 2022. Cách thực hiện này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của An Giang hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, triển khai DDCI để thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các, các cấp, ngành tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

DDCI An Giang năm 2022 tập hợp các đánh giá về cảm nhận của các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD), cụ thể là các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh (DN/HTX/HKD) về công tác điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo cơ quan một cách hệ thống.

Qua kết quả đó, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng mang lại lợi ích cho các DN/HTX/HKD và nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế. Hơn nữa, điểm đổi mới và toàn diện hơn so cách đánh giá DDCI cũ là, cách tiếp cận toàn diện các vấn đề chuyển đổi số, phát triển bao trùm, phát triển bền vững. Từ đó, đưa ra những giải pháp toàn diện phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ứng dụng công nghệ, hướng tới chuyển đổi số trong tương lai.

Ngày 20/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2581/QĐ-UBND phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá DDCI năm 2022. DDCI An Giang năm 2022 là chiếc gương phản chiếu chính xác cảm nhận của các DN/HTX/HKD về công tác quản lý, điều hành kinh tế của các cấp chính quyền. Đồng thời, là nhiệt kế đo lường sự hài lòng về môi trường đầu tư, kinh doanh và cảm nhận về triển vọng kinh doanh tại An Giang. Bộ chỉ số đánh giá đối với cấp sở, ban, ngành tỉnh gồm 8 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ quy định pháp luật; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; hoạt động hỗ trợ SXKD; hiệu lực thiết chế.

Đối với địa phương (cấp huyện) gồm 9 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện TTHC; tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; chi phí thời gian thực hiện TTHC và tuân thủ quy định pháp luật; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương; hoạt động hỗ trợ SXKD; hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; tiếp cận đất đai.

DDCI An Giang năm 2022 được xây dựng theo nguyên tắc: Hiệu quả trong thực hiện chính sách và quy định pháp luật với tinh thần vì nhà đầu tư, DN/HTX/HKD. Từ đó, chất lượng dịch vụ công liên tục được cải thiện với ứng dụng ngày một hiệu quả. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng với nhà đầu tư, DN/HTX/HKD. Lãnh đạo chính quyền năng động, tiên phong, lắng nghe và hành động vì nhà đầu tư, DN/HTX/HKD. Đối thoại thường xuyên có trách nhiệm với nhà đầu tư, DN/HTX/HKD và đề cao trách nhiệm giải trình. TTHC được cải thiện mạnh mẽ và bộ phận “một cửa” hoạt động hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ kinh doanh thiết thực, hiệu quả, công bằng. Chi phí không chính thức được đẩy lùi.

DDCI đã đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, chính quyền địa phương từ những vấn đề về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững, phát triển trong thời kỳ công nghiệp 4.0, chuyển đổi số... Qua đó, sẽ khuyến khích, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố chú ý và quan tâm đúng mức về hoạt động quản lý, điều hành kinh tế, đảm bảo hài hòa các vấn đề về phát triển bao trùm, xã hội và môi trường trong phát triển kinh tế.

Chỉ số PCI của tỉnh An Giang trong 5 năm (2016-2021) liên tiếp tăng điểm, tăng hạng, nhưng chưa nhanh, chưa vững chắc và chưa đạt như kỳ vọng… Năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 66,48 điểm, tăng 1,76 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so năm 2020 và thuộc nhóm điều hành “khá”. So các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, An Giang đứng thứ 4/13, tăng 2 bậc so năm 2020.

An Giang phấn đấu năm 2023, PCI trong nhóm 15 tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, các nội dung cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

HẠNH CHÂU