Việc thi công xây dựng công viên và cải tạo hồ đã làm cho những đàn cò sợ hãi di tản, nhưng lạ thay sau một thời gian ngắn chúng lại rủ nhau về làm tổ, số lượng cò kéo về ngày một đông. Người ta nói “Đất lành chim đậu” không sai chút nào. Thành phố Hưng Yên là một thành phố trẻ, hưng thịnh nhưng rất đỗi bình yên bởi nơi đây không tập trung các khu công nghiệp, chỉ có cư dân bản địa sinh sống, không tấp nập vội vã như bao thành phố khác. Cũng bởi thế mà những đàn cò lại quay trở về và rủ thêm đàn ngày một đông hơn. Ước tính tại đảo cò có trên dưới một vạn chú cò đang sinh sống với đủ các loại: cò đen, cò trắng, cò mỏ vàng, có cả bồ nông, vạc…
Quanh đảo cò hồ An Vũ là các con đường mang tên những danh nhân, những thi sĩ, nhà văn nổi tiếng như: Lê Lai, Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan. Dọc những con đường này là những hàng cây xanh tỏa bóng râm mát. Nơi đây từ lâu là nguồn cảm hứng vô tận cho những nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ, thi sĩ thế hiện hình ảnh những chú cò lam lũ. Hình ảnh con cò đã xuất hiện rất nhiều trong ca dao, những áng thơ văn, những bài hát và in đậm trong tâm trí mỗi người, là hiện thân của những người mẹ, người vợ vất vả, một nắng hai sương. Đó là những hình ảnh tôn vinh vẻ đẹp chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.
Sáng sớm từng đàn cò trắng đập cánh ào ạt rủ nhau đi ăn, chúng bay theo từng đàn tản về các hướng, bay tới những bãi bồi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý… để kiếm ăn. Chiều đến chúng lại tíu tít gọi nhau về tổ. Vào những thời điểm ấy, từng đàn cò vỗ cánh bay rợp trời, tiếng cò rủ nhau đi kiếm ăn, tiếng cò gọi nhau về tổ làm náo nhiệt cả một không gian sáng, chiều đang yên tĩnh.
Theo PetroTimes