Đạp xe để mẹ không còn lo mất tôi

29/06/2019 - 13:59

Tôi viết những dòng này khi đã bình tĩnh và tự tin hơn. Những vòng quay xe đạp đã xua tan nỗi u ám trong suy nghĩ "mình bất hạnh nhất thế gian".

Tác giả bên chiếc xe đạp của mình

"Chàng trai cao 1,67m, nặng 80kg, rất yêu đời và khá đẹp trai" - tôi từng có câu nói vui "để đời" như thế khi giới thiệu về mình. Nhắc đến tôi, mọi người chỉ nhớ đến tiếng cười và khiếu tiếu lâm.

Nhưng ở đời mấy ai biết được chữ ngờ. Ngày nọ, tôi thấy trong mình ngứa ngáy, khó chịu nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm đường tiểu.

Lúc đó tôi hơi lo nhưng chưa sợ. Nhưng rồi, 1 liệu trình, 2 liệu trình mà tôi vẫn không dứt bệnh. Ngày này qua ngày nọ, tôi phát hiện nơi không dám nhìn lại đọng những giọt mủ kinh tởm. 

Tôi hoang mang, lo sợ. Tôi sợ chính mình, tôi sợ bản thân mình. Tôi ganh tị với tất cả bạn bè được khỏe mạnh, vui chơi, đá bóng... còn mình thì không.

Tôi bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ. Vì cuộc đời tôi, gia đình tôi rối loạn theo. Chàng trai "rất yêu đời và khá đẹp trai" giờ ủ rũ, ngại tiếp xúc. 

Tôi mang theo nỗi sợ bệnh tật, ám ảnh mỗi khi thức dậy. Đêm chỉ 7-8 tiếng đồng hồ nhưng với tôi, thời gian ấy dài hơn gấp rất nhiều lần. Giấc ngủ càng ngắn lại mà nỗi sợ thì cứ dài thêm ra.

Tôi nằm xuống với bao phập phồng lo sợ: bệnh như vầy khi chưa có con thì làm sao, vợ mình sẽ như thế nào nếu không có mình, mình là niềm tự hào và kỳ vọng của cả dòng họ - cha mình sẽ đau đớn khi mình như vầy... Nỗi lo chất chồng nỗi lo. Có đêm tôi bật dậy, sợ hãi và la hét. Má tôi từ dưới quê lên và vợ tôi cùng an ủi, sụt sùi.

Má tôi năm nay đã 65 tuổi, quê mùa và nhân hậu. Nghe ai nói có thuốc gì trị dứt bệnh mất ngủ, ăn cái gì để khỏe, má đều kiếm bằng được. Má làm hết bản năng của người mẹ ở tư thế gần như sắp mất con. Sự quan tâm của gia đình khiến tôi nghĩ suy. 

Tôi biết rằng cách chữa lành căn bệnh của tôi không ở thuốc men mà tôi phải thoát khỏi vỏ bọc khổ sở của chính tôi. Tôi không thể chết ở tuổi 29!

Cha tôi từ dưới quê cứ 5h sáng là gọi điện cho tôi bảo tôi phải đi tập thể dục buổi sáng. Má và vợ đồng hành cùng tôi. Nhưng rồi 2-3 ngày trôi qua, tôi thấy môn đi bộ không hợp với mình. Mỗi bước đi của tôi còn nặng nề những lo âu. Tôi nghĩ đến chiếc xe đạp.

Vợ tôi mua cho tôi một chiếc xe đạp đẹp và có cả lòng tin trong đó. Tôi đạp xe một mình, những ngày đầu là 1-2km, sau là 3-4km và giờ là 5km mỗi ngày. 

Tôi đạp xe rong ruổi qua những con đường quen trong khu dân cư tôi ở. Đoạn đường tôi đạp xe mỗi ngày dài hơn, tôi mơ mộng về tương lai và hạnh phúc của mình. Tôi chinh phục từng cung đường như chinh phục khúc khuỷu của đời tôi.

Tôi đã tìm lại đúng với hình ảnh của tôi ngày nào - "chàng trai cao 1,67m, nặng 80kg, rất yêu đời và khá đẹp trai". Mỗi chiều, sau khi tan giờ làm là tôi lại lên đường với chiếc xe đạp vợ mua. Mồ hôi nhễ nhại, đôi chân mỏi nhừ, đó lại là niềm vui của tôi và cả gia đình tôi nữa. 

Nỗi sợ, nỗi lo và những rối loạn của tuổi 29, tuổi 30... qua rồi, tôi bước vào tuổi 32 với những ước vọng tương lai.

Vợ tôi sẽ sinh con, gái hay trai cũng được, tên gọi ở nhà sẽ là Kiến Càng. Kiến Càng sẽ không bao giờ bi quan và bỏ cuộc, không bao giờ rối loạn những lo âu. Đặc biệt, Kiến Càng sẽ mạnh mẽ, sẽ tập thể thao, sẽ đạp xe đạp theo những vòng quay yêu thương của ba. 

Còn khi Kiến Càng còn nhỏ, ba sẽ chở Kiến Càng trên chiếc xe đạp mẹ mua, ba sẽ kể cho Kiến Càng nghe câu chuyện về nghị lực, chuyện về chiếc xe đạp đã cứu khổ đời ba.

Tôi chỉ muốn kể một điều kỳ diệu mà thể thao mang lại. Hãy tập thể thao, môn gì cũng được, khi còn có thể và sẽ không bao giờ muộn!

Theo ĐẶNG DUY KHÔI (Tuổi Trẻ Online)