Dấu ấn giúp đời, giúp người của cựu chiến binh

07/09/2022 - 07:26

 - Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh An Giang tiếp tục khẳng định vai trò đoàn thể chính trị - xã hội, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của CCB, thành viên tích cực của MTTQVN, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Trung ương Đảng khen tặng Hội CCB Việt Nam “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen tặng Hội CCB tỉnh “Vững vàng về chính trị tư tưởng - gương mẫu về đạo đức - trong sạch về lối sống”.

“Dấu ấn lớn nhất Hội CCB tỉnh làm được là tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Hội viên đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng cán bộ công chức, viên chức; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phản bác những quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc. Cùng với đó, tích cực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tạo được tín nhiệm cao với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương” - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh An Giang Bùi Thanh Châu bày tỏ.

Thể hiện rõ nét nhất là các tổ chức hội tăng cường xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa các thế hệ CCB, thường xuyên giữ mối liên hệ với cựu quân nhân. Trong sinh hoạt định kỳ, hội CCB các cấp chú trọng đóng góp chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội… của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII); nhận diện âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; từ đó xây dựng trận địa tư tưởng vững chắc trong toàn hội.

Dấu ấn “giúp đời” còn nằm ở quá trình thực hiện phong trào thi đua CCB gương mẫu, gắn với “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Đã có sự hòa quyện, gắn kết, tổ chức triển khai đến tận cơ sở, nên CCB đóng góp hiệu quả vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong 5 năm, 785 lượt hội cơ sở đăng ký, thực hiện đạt trên 1.330 lượt mô hình (thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị); trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhiều mô hình được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực.

“Bên cạnh đó, CCB còn có trách nhiệm truyền lửa lại cho thế hệ trẻ. Chúng tôi kết hợp cơ quan quân sự địa phương, đoàn thanh, niên tuyên truyền, giáo dục, động viên thanh thiếu niên có tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, yêu nước, cách mạng tiến công. Trong bảo vệ Tổ quốc, động viên thanh niên hăng hái thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an… Hội CCB các cấp thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu niên bằng nhiều hình thức phong phú, như: Giao lưu, du khảo về nguồn thăm căn cứ kháng chiến, di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thắp nến tri ân” tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ” - ông Bùi Thanh Châu cho biết thêm.

Với phương châm “Cây cùng một gốc”, Hội CCB tỉnh cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đẩy mạnh vận động quần chúng, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh; diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; giáo dục quốc phòng - an ninh; xây dựng lực lượng dân quân; tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh CCB Việt Nam…

Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng khi CCB góp phần cùng địa phương chăm lo đời sống, sức khỏe, an sinh xã hội trong nhân dân, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều hoạt động của tập thể và cá nhân rất đáng trân trọng, như: Vận động đóng góp các loại quỹ; mua xe, xăng, dầu chuyển bệnh miễn phí; hiến máu nhân đạo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hộ chính sách và người nghèo; thành lập tổ cất nhà từ thiện, tổ thuốc nam; lập “Gian hàng 0 đồng”, vận động tiền và vật chất quy ra tiền hàng trăm triệu đồng…

Thành tích đạt được rất lớn. Nhưng trước yêu cầu mới đang đặt ra, đòi hỏi từng tổ chức hội và mỗi cán bộ, hội viên CCB không ngừng phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới. Ông Bùi Thanh Châu chia sẻ: “CCB đa số lớn tuổi, sức lực hạn chế, chỉ tham gia trong điều kiện cho phép. Ngày trước, chúng tôi được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành trong quân đội, đã cống hiến tuổi trẻ của mình. Rời quân ngũ, chúng tôi cố gắng tham gia giữ vững thành quả cách mạng, sống gương mẫu, tích cực, làm chỗ dựa tin tưởng của chính quyền ở cơ sở, nêu gương tốt cho lực lượng trẻ”.

Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2022-2027 được đề ra, như: Phát triển hội viên trên 90% đối tượng đủ điều kiện kết nạp vào hội. Hàng năm, có trên 90% cơ sở hội đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ; từ 95% hội viên trở lên đạt “Hội viên gương mẫu”. Mỗi năm, giảm từ 1-1,5% tổng số hộ hội viên CCB nghèo theo chuẩn mới; 100% hội viên trong độ tuổi lao động được tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng, giúp đỡ việc làm.

Nỗ lực “vượt lên chính mình”

Tinh thần tương trợ đồng chí, đồng đội được thể hiện rất rõ trong giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Đầu nhiệm kỳ, toàn hội có 3,2% hộ hội viên nghèo. Đến cuối nhiệm kỳ, còn 1,06%, tức là cứ 3 hộ CCB nghèo, giảm được 2 hộ. Mỗi năm, hội nhận quản lý vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quản lý trên 730 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hơn 35.000 hộ được vay vốn, tổng số tiền cho vay mỗi năm gần 670 tỷ đồng. Quỹ “Phát triển sản xuất” được tích lũy do hội viên đóng góp, cho hội viên khó khăn vay với lãi suất rất thấp hoặc không có lãi, số tiền mỗi năm trên 4 tỷ đồng. Đến nay, quỹ có trên 7,3 tỷ đồng, bình quân đạt 700.000 đồng/hội viên. Ngoài ra, một số tổ chức hội còn vận động “Góp vốn xoay vòng” để tạo điều kiện cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn có vốn làm ăn, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống, có lúc đạt hàng chục tỷ đồng/năm.

GIA KHÁNH