Cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú còn thiếu và yếu, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm cũng như điểm nhấn… chính là điểm nghẽn của nền kinh tế xanh Tuyên Quang.
Du khách trải nghiệm cảnh đẹp thôn Lang Chua, thị trấn Lang Căn, huyện Lâm Bình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đó không chỉ là nhận định của ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang mà còn là ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành tại buổi tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022,” vừa diễn ra sáng nay (ngày 3/4), tại Tuyên Quang.
Đặc sắc các lễ hội mang đậm "dấu ấn thành Tuyên"
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá Tuyên Quang là “địa phương có rất nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực độc đáo có thể tạo nên những sản phẩm du lịch, tài nguyên du lịch giá trị; phong cảnh hùng vỹ, sinh thái đặc sắc... Tôi tin những người làm du lịch rất muốn được tạo nên những trải nghiệm thú vị cho du khách ở vùng đất này.”
Theo ông Siêu, những hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã có những bước phát triển, đặc biệt là Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần 1 tại Tuyên Quang vừa được trao kỷ lục Lễ hội khinh khí cầu lớn nhất Việt Nam.
Bên trong hang Khuổi Pín. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trong khi đó, bà Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban phát triển sản phẩm, Công ty lữ hành Vietravel, đánh giá cao giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn ở Lâm Bình. Đặc biệt, bộ trang phục truyền thống này được mệnh danh là một trong những trang phục dân tộc đẹp nhất trong 54 dân tộc Việt Nam.
Nhảy lửa là nghi lễ tâm linh hết sức huyền bí, thể hiện đời sống tâm linh phong phú có đồng bào Pà Thẻn. Trong quan niệm tín ngưỡng của người dân nơi đây, họ cho rằng thần lửa là vị thần linh xua đi bóng tối và đem lại hơi ấm, hạnh phúc người cho con người.
Chính vì thế, cứ sau một vụ mùa bội thu, bà con Pà Thẻn lại tổ chức lễ hội nhảy lửa để cảm tạ trời đất, cảm tạ vị thần lửa linh thiêng và tối cao đã ban cho họ sức mạnh, ban cho họ may mắn cũng như che chở họ. Đống lửa to được đốt lên, cháy rừng rực và hàng chục thanh niên dân tộc Pà Thẻn chân đất, ở trần sẽ nhảy vào để “tắm lửa” theo nghi lễ.
“Tôi hỏi họ cảm thấy thế nào khi nhảy vào lửa, họ nói rằng giống như nhảy vào dòng suối mát, nhảy vào lửa mà như đang tắm. Điều này hết sức huyền bí và cho đến nay khoa học vẫn chưa thể lý giải được. Hiện chúng tôi cũng đã và đang khôi phục, phát huy rất tốt lễ hội này để biến nó thành sản phẩm du lịch hết sức đặc sắc khi đón du khách trong nước và quốc tế,” Ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Giữ gìn để "câu" du khách
Về khía cạnh sản phẩm du lịch, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO đánh giá sản phẩm du lịch ở các huyện của Tuyên Quang còn đơn sơ và sơ sài, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được các dòng khách có mức chi tiêu cao. Địa phương cần hướng tới cung cấp dịch vụ cho dòng khách có mức chi tiêu cao gấp 3-5 lần so với mức thu nghỉ đêm homestay hiện nay chỉ 80.000 đồng/đêm/khách.
(Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ông Hùng “hiến kế,” du lịch Tuyên Quang cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa, bởi đây là những tài nguyên vô giá, giữ được càng lâu, Tuyên Quang sẽ càng “câu” được nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Góp ý cho du lịch thành Tuyên, ông Đoàn Ngọc Tùng, CEO Công ty MTV Việt Nam nêu 3 vấn đề cần khắc phục: Thứ nhất, tại các điểm du lịch cộng đồng chưa có nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ vào buổi tối. Mỗi làng văn hóa cần có sân tập thể, ít nhất cuối tuần có biểu diễn văn nghệ truyền thống và kinh doanh các dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ du khách trải nghiệm.
Thứ hai, các homestay và các điểm đến ở Na Hang và Lâm Bình cần được bổ sung thêm hoa lá và các tiểu cảnh để khách "check-in." Thứ ba, các hộ chủ yếu vẫn kinh doanh tự phát. Do đó, cần tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng gợi mở nhiều giải pháp cho du lịch Tuyên Quang như: Tạo khu, điểm bán các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm; kéo dài lễ hội thành Tuyên và truyền thông mạnh mẽ cho sự kiện; đầu tư hệ thống lưu trú chuẩn homestay; kêu gọi các nhà đầu tư địa phương mở rộng và nâng cấp hệ thống lưu trú tại Na Hang, Lâm Bình; có cơ chế, chính sách cởi mở để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch…
Du khách khám phá thác Khuổi Nhi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ghi nhận những hạn chế của địa phương, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết năm 2022, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đây là một trong những điểm nghẽn với phát triển kinh tế-xã hội nói chung, du lịch nói riêng của tỉnh.
Ông Phương cho hay: “Chúng tôi đang đầu tư xây dựng hai tuyến đường nối cao tốc nối với cao tốc Hà Nội-Lào Cai và đường nối cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn 2/3 thời gian từ Hà Nội lên Tuyên Quang, Hà Giang. Tỉnh Tuyên Quang cũng đang tập trung đầu tư nâng cấp Khu di tích lịch sử Tân Trào và sớm khai trương Làng văn hóa Tân Trào trở thành điểm du lịch độc đáo của tỉnh.”
Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, thể thao tại khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh đầu hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, nước, môi trường, cơ sở lưu trú, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ… ở hai huyện Na Hang và Lâm Bình để phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, cộng đồng, kết hợp du lịch mạo hiểm như dù lượn, du lịch lòng hồ; trong đó tỉnh sẽ khôi phục Lễ hội thành Tuyên vào dịp Tết Trung thu...
Giờ đây, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã nhận ra rằng muốn phát triển du lịch thì cần phải đi cùng nhau, liên kết vùng miền và khai thác tối đa sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Muốn vậy, thành Tuyên cần giữ gìn nét xưa, bản sắc văn hóa bản địa, giữ gìn những vẻ đẹp nguyên sơ… Bởi đó là tài nguyên vô giá, là “miếng mồi” hấp dẫn có thể tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách và khiến họ quay trở lại chứ không chỉ đến một lần./.
Theo Vietnam+