Dấu ấn văn hóa Đông - Nam Á trong phim Disney

03/04/2021 - 07:38

“Raya và rồng thần cuối cùng”, bộ phim hiện đang chiếu rạp thu hút đông đảo khán giả nhí thời gian vừa qua của Hollywood là tác phẩm mới nhất tôn vinh văn hóa Đông - Nam Á trong một câu chuyện tưởng tượng kỳ thú về loài rồng.

Chuyện phim xoay quanh cô bé Raya, công chúa của vương quốc Kumandra gồm nhiều vùng đất nhỏ khác nhau tượng trưng cho các phần cơ thể của rồng. Vương quốc Kumandra được xây dựng với hình dáng của loài rồng châu Á, không phải rồng có cánh phun lửa như rồng châu Âu, lấy cảm hứng từ dòng sông Mekong chảy qua nhiều nước Đông - Nam Á. 

Dấu ấn văn hóa Đông Nam Á trong phim Disney -0

 Vùng đất Long Tâm với núi non lô xô ngoài biển tựa Vịnh Hạ Long.

Raya từ khi còn nhỏ phải chứng kiến các bộ tộc khác nhau Long Tâm, Long Trảo, Long Vĩ, Long Cốt, Long Nanh chia rẽ và tranh giành ngọc rồng khiến cho phong ấn giam giữ Druun, loài quỷ độc ác biến con người và cảnh vật thành đá thoát ra ngoài và tàn phá vương quốc Kumandra. Cha của Raya, vua của bộ tộc Long Tâm cũng chịu chung cảnh hóa đá cùng muôn dân của mình để bảo vệ cô con gái bé bỏng. Trước khi đẩy Raya xuống dòng sông chảy qua năm vùng đất, ông còn nhắn nhủ cô đi tìm loài rồng thần để cứu vương quốc và đưa năm bộ tộc trở lại đoàn kết với nhau. 

Raya đã lớn lên, tự luyện tập và một ngày, cô đã lên đường đến từng vùng đất để tìm lại những mảnh ngọc rồng vỡ đã bị các bộ lạc chiếm mất lúc trước. Cô đã gặp những thành viên còn sống sót của các bộ lạc Long Trảo, Long Cốt và Long Vĩ sau khi bị bọn quỷ Druun tràn qua. Đặc biệt, khi đi đến tận cùng của vương quốc Kumandra, Raya đã gặp được Sisu, chú rồng cuối cùng của loài thần. Nhưng Sisu lại là chú rồng bé nhất, yếu nhất và dường như không có tài năng gì cả. 

Hành trình của Raya với những người bạn đồng hành ở đủ mọi lứa tuổi cuối cùng khép lại ở Long Nanh, nơi cô phải đối mặt với cô bạn cũ, người đã lợi dụng lòng tin của cô để lấy đi viên ngọc rồng, và là nguyên nhân chính khiến cho phong ấn bị vỡ và để bọn quỷ Druun thoát ra ngoài. Bằng cách thu phục tình cảm con người học từ Sisu, Raya đã khiến cô bạn hiểu được giá trị đích thực của sức mạnh đoàn kết, cùng gia nhập đội quân chiến đấu lại lũ Druun, bảo vệ và làm hồi sinh vương quốc Kumandra. 

Câu chuyện phim đơn giản, diễn biến tình huống cũng dễ đoán, nhiều đoạn hóm hỉnh gây hài, nhưng cũng nhiều đoạn xúc động và mang những triết lý sâu sắc về cuộc sống, “Raya và rồng thần cuối cùng” đem lại sự vui vẻ, sảng khoái cho người xem và đặc biệt các bạn nhỏ rất thich những màn xuất hiện, đối đáp hài hước, ngộ nghĩnh của rồng “còi” Sisu. 

Dấu ấn văn hóa Đông Nam Á trong phim Disney -0

 Rồng thần mang hình dáng của rắn thần Naga.

Tuy nhiên, vượt qua một câu chuyện tưởng chừng đơn giản đó lại là cả một bề dày văn hóa Đông Nam Á mà các nhà làm phim lồng ghép rất khéo léo. Kumandra đại diện cho vùng đất chung quanh dòng sông Mekong, nơi sinh sống của các quốc gia Đông - Nam Á. Long Tâm đại diện cho nền văn minh lúa nước, vùng đồng bằng trù phú ven sông và hình ảnh gợi nhớ đến Vịnh Hạ Long. Long Cốt với rừng tre trúc khổng lồ, gợi nhớ những rặng tre của Việt Nam, Long Trảo với chợ nổi, sông nước và các bến cảng, chợ đêm, lễ hội thả đèn hoa đăng và những gian hàng treo đèn lồng đủ màu sắc. Long Nanh với những ngôi nhà, lâu đài có mái cong vút lấy cảm hứng từ quần thể đền Angkor Watt. Long Vĩ là vùng đất cát khô cằn, núi cao cằn cỗi. 

Dấu ấn văn hóa Đông Nam Á trong phim Disney -0

 Các món ăn và trái cây của Đông Nam Á trong phim.

Văn hóa Đông - Nam Á được thể hiện tỉ mỉ, tinh tế từ những chi tiết nhỏ. Rồng thần Sisu được lấy cảm hứng từ rắn thần Naga, linh vật của nhiều dân tộc Đông - Nam Á. Động tác đưa tay lên đầu vòng lại để chào và cảm ơn của người dân xứ Kumandra gợi nhớ đến động tác chắp tay chào của Thái Lan và Lào. Những màn võ thuật trong phim được xây dựng từ Pencak silas, muay Thái và Vovinam, những môn võ đặc trưng của Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều món ăn, các loại trái cây đặc trưng của vùng nhiệt đới Đông - Nam Á cũng được thể hiện trong phim, như sầu riêng, thanh long, quýt… Mẹt tre, chõng tre, nón lá chóp nhọn cùng nhiều vật dụng tre đan khác cũng xuất hiện trong phim. Tomyum, xôi đặt trên lá, gỏi cuốn, các món nướng quấn lá chuối cũng xuất hiện trong phim. Con tê tê, thú cưng và cũng là cỗ xe di chuyển của công chúa Raya được đặt tên là Tuk Tuk – loại phương tiện phổ biến ở Thái Lan…

Dấu ấn văn hóa Đông Nam Á trong phim Disney -0

 Con tê tê, thú cưng và cũng là vật cưỡi của Raya.

Bên cạnh đó, bộ phim còn có sự tham gia của một đội ngũ nghệ sĩ, biên kịch gốc Việt. Lồng tiếng cho nhân vật Raya là Kelly Marie Tran, sinh năm 1989 tại San Diego (Mỹ), có cha mẹ là người Việt. Thalia Tran, một nữ diễn viên gốc Việt khác, năm nay 15 tuổi, lồng giọng cho Little Noi, cô nhóc 2 tuổi bị lạc gia đình trong khi chạy loạn khỏi lũ quỷ Druun, cầm đầu một băng trộm vặt gồm bầy khỉ cả lớn lẫn nhỏ. Patti Harrison, 30 tuổi, lồng tiếng cho Tail Chief, chú bé cũng bị lạc mất gia đình trong cuộc chạy trốn lũ quỷ Druun, một mình sống trên chiếc thuyền lớn, vừa là thuyền trưởng, vừa là đầu bếp phục vụ khách ăn và đi du ngoạn trên sông. 

Biên kịch của phim là Qui Nguyen, từng tham gia nhiều dự án phim của Hollywood. Anh cũng chính là người đưa những chi tiết thú vị của văn hóa Đông Nam Á, đặc biệt là văn hóa Việt Nam vào bộ phim. 

“Raya và rồng thần cuối cùng” là bộ phim được Hollywood mong muốn sẽ lập kỳ tích ở thị trường Đông - Nam Á khi ra mắt. Nhưng hơn cả việc làm nóng phòng vé sau khi dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều nơi khiến các hoạt động vui chơi giải trí bị ngưng trệ, “Raya và rồng thần cuối cùng” đã mở một cánh cửa hấp dẫn để thế giới hiểu thêm về vùng đất Đông - Nam Á giàu bản sắc và đầy huyền thoại. 

Theo Báo Nhân Dân