Tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân đến khám do có biểu hiện đau mắt đỏ ngày càng tăng, không ít trường hợp gặp biến chứng do tự ý điều trị tại nhà.
Biến chứng do tự điều trị
Chị Hồng Vân (30 tuổi, ở Thanh Xuân) cho biết, chị có dấu hiệu đỏ cộm mắt, sau 2 tuần tự nhỏ thuốc điều trị tại nhà không đỡ chị mới đến Bệnh viện Mắt Trung ương kiểm tra.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị đau mắt đỏ có giả mạc (màng viêm màu trắng đục bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên). Chị Vân được bác sĩ chỉ định bóc giả mạc nhưng vẫn phân vân sợ ảnh hưởng đến thị lực.
Theo chị Vân, việc bị đau mắt đỏ dẫn đến biến chứng đã ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của chị. Hiện chị vẫn điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Bệnh nhân làm thủ tục khám đau mắt đỏ tại bệnh viện.
Chị Thu Hiền (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết vừa cho con gái 3 tuổi đi học mầm non được 2 tuần thì chị phát hiện mắt con bị đỏ và hơi sưng. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận con bị đau mắt đỏ có biến chứng tổn thương giác mạc.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, anh Trần Trọng Hải (40 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) cho biết, cách đây một tuần, khi đón con ở trường về nhà, anh phát hiện một bên mắt của bé bị đỏ, có gỉ, khả năng con bị lây từ một số bạn ở lớp.
Anh cho con nghỉ học cách ly ở nhà. Sau vài ngày rửa nước muối sinh lý, bé khỏi đau mắt. Sau đó, đến lượt mắt anh đỏ, cộm, chảy nước. Anh Hải mua thuốc ở hiệu thuốc. Hai ngày dùng thuốc tại nhà không đỡ, mắt đỏ và đau nhức nhiều hơn nên anh Hải đến bệnh viện thăm khám. Dù chưa có kết quả thăm khám song anh rất lo lắng tình trạng mắt của anh gặp biến chứng.
Trả lời VTC News, ThS.BS Mai Thị Anh Thư, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 - 400 bệnh nhân, trong đó một nửa là bệnh nhân đau mắt đỏ.
“Ngày nào cũng phải 30 - 50% bệnh nhân đau mắt đỏ trong số bệnh nhân mắt đến khám. Đợt cao điểm trên 50%, có thể lên đến 60 - 70%”, bác sĩ Thư cho biết.
Bác sĩ thông tin, người bệnh bị đau mắt đỏ đến khám thường có biểu hiện đặc trưng như: mắt đỏ, cộm, chói, mi mắt bị sưng, chảy nước mắt, ra nhiều gỉ, kết mạc phù nề, có nhú, có giả mạc, thậm chí mờ mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch trước tai.
Đáng lưu ý, rất nhiều người chủ quan với bệnh đau mắt đỏ, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đúng cách. Đến khi bệnh kéo dài không khỏi hoặc diễn tiến nặng, biến chứng vào giác mạc (vào lòng đen của mắt), người bệnh mới đến thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa.
Dịch đau mắt đỏ phức tạp hơn mọi năm
Theo bác sĩ Thư, hiện tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chưa có thống kê chính xác tỷ lệ bệnh nhân đến khám, tuy nhiên từ thực tế có thể nhận thấy, bệnh đau mắt đỏ năm nay diễn biến phức tạp hơn hẳn mọi năm.
Bác sĩ thông tin thêm, hằng năm bệnh viện sẽ có một phân khu riêng dưới tầng 1, bố trí 1 hoặc 2 phòng khám để phục vụ bệnh nhân đau mắt đỏ nhằm mục đích cách ly, hạn chế lây nhiễm.
Tuy nhiên năm nay, lượng bệnh nhân đau mắt đỏ nhiều nên bệnh viện phải mở rộng ra thành 4 phòng khám, thậm chí có những thời điểm lên đến 6 phòng khám chuyên tiếp nhận bệnh nhân đau mắt đỏ.
“Thời điểm giữa tháng 9, bệnh viện không thể phân khu nổi vì lượng đến khám đông. Bệnh viện cũng phải tăng cường thêm bác sĩ để khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ. Nếu trước đây, mỗi phòng khám chỉ 1 - 2 bác sĩ, lúc cao điểm dịch đau mắt đỏ, một phòng khám phải 3 - 4 bác sĩ đảm nhận”, bác sĩ Thư thông tin.
Lý giải về dịch bệnh đau mắt đỏ bất thường so với mọi năm, bác sĩ Thư cho biết, bản chất chủng virus gây đau mắt đỏ năm nay khá mạnh, kể cả có điều trị đúng bệnh đúng thuốc vẫn có tỷ lệ biến chứng nhiều hơn so với những năm trước.
Chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ các năm trước tỷ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ ít là nhờ người dân phòng dịch COVID-19 cũng đồng thời phòng đau mắt đỏ. Khi COVID-19 lắng xuống thì người dân chủ quan hơn, không vệ sinh tay, không đeo khẩu trang nên bùng phát thành dịch đau mắt đỏ.
Các chuyên gia nhận định, dịch đau mắt đỏ năm nay phức tạp hơn các năm trước.
Thông tin với VTC News, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.800 - 2.000 bệnh nhân đến khám, trong đó có khoảng 200 bệnh nhân đau mắt đỏ. Trong đó có nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ biến chứng do tự ý điều trị tại nhà.
TS Cương lưu ý, người bệnh không được chữa đau mắt đỏ bằng việc xông mắt bằng lá trầu không, bởi khi xông mắt bằng nước nóng lại thêm lá có tinh dầu (trầu không, bạc hà) khiến mắt dễ bị bỏng, viêm tấy lan rộng, nhiều biến chứng hơn.
Đặc biệt, khi mắc bệnh, người dân không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.
TS Cương khuyến cáo người dân rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hay nước rửa tay chuyên dụng, kiên trì đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa mắt buổi sáng và khi đi làm về, sát trùng đều đặn dụng cụ khám mắt thì dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay sẽ không còn đáng sợ.
Theo NHƯ LOAN (VTC News)