Ngày Dân số Thế giới 11/7/2024:

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư phát triển bền vững

11/07/2024 - 06:44

 - Đầu tư cho công tác dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững. An Giang đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân.

Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) kỷ niệm tròn 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển. Theo UNFPA, mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản; tương đương với hơn 290.000 phụ nữ tử vong mỗi năm.

Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng gần 1/3 phụ nữ trên thế giới. Hiện, mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản và tình dục của mình. Một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các trung tâm đô thị. Đến năm 2050, con số này sẽ là gần 70%...

Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7, Việt Nam chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế -xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư.

Ngày Dân số Thế giới là dịp để chúng ta tiếp tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, với mục đích tạo và tích hợp dữ liệu dân số có chất lượng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương. Qua đó, nhằm đạt được sự phát triển bền vững, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển. Ảnh: H.C

Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7) phù hợp với tình hình thực tế địa phương, lồng ghép với nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể. Trong đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số và phát triển; chiến lược dân số Việt Nam; các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số và phát triển đến năm 2030 đã được tỉnh phê duyệt. Lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động của các đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng. Tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới về trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả thể chất và trí tuệ.

Tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, nhất là các đối tượng nguy cơ cao. Nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, biên giới.

Tổ chức hội thi tuyên truyền phổ biến pháp luật về chính sách dân số và phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, giao lưu các trò chơi dân gian cho cán bộ, công chức, viên chức dân số hưởng ứng ngày Dân số Thế giới, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức Dân số các cấp giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, trao dồi kiến thức, kỹ năng truyền thông về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới.

Việc triển khai đồng bộ, đa dạng các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11/7), giúp mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa. Đồng thời, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Qua đó, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển bền vững.

NGUYỄN HỒNG NAM
(Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình An Giang)