Căn lán Nà Nưa đơn sơ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Theo đó, bên cạnh đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các di tích như Đình Tân Trào; Cụm di tích lán Nà Nưa; Cụm di tích ATK - Kim Quan; Xây mới Bảo tàng Tân Trào và Phòng chiếu phim; Xây dựng mới Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tách khỏi công trình Nhà trưng bày Bảo tàng; Cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào… (theo quyết định đầu tư năm năm 2020), tỉnh đầu tư bổ sung thêm một số hạng mục như xây dựng hệ thống trưng bày Bảo tàng ATK Tân Trào; tôn tạo, tu bổ Khu di tích Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ; tôn tạo, tu bổ di tích lán Hang Bòng; tôn tạo, tu bổ di tích hang Thia; tôn tạo, tu bổ cụm di tích ATK Kim Quan; phục hồi, tôn tạo Khu di tích Khấu Lấu - Vực Hồ; phục hồi, bảo tồn, tôn tạo di tích Sân bay Lũng Cò; tu bổ, tôn tạo Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội; phục hồi, tôn tạo Khu di tích Minh Thanh…
Tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 90 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 410 tỷ đồng.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào có diện tích khoảng 3.100 ha, trên địa bàn 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên và Lương Thiện (thuộc huyện Sơn Dương), Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện và Công Đa (thuộc huyện Yên Sơn). Hiện nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào có 138 di tích, cụm di tích.
Năm 2022, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đón hơn 750 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, chiếm khoảng gần 1/3 tổng lượng khách du lịch tới Tuyên Quang.
Theo TTXVN