Dạy chữ gắn với lao động sản xuất

20/03/2023 - 07:53

 - “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất” là một trong các mô hình đổi mới của ngành giáo dục, nhằm dạy cho học sinh biết cách làm việc, phát triển năng lực. Mô hình thực hiện tại Trường Tiểu học “B” Phú Mỹ, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã phát huy hiệu quả, được Phòng Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai trên địa bàn.

Một buổi trải nghiệm do giáo viên hướng dẫn học sinh chăm sóc vườn rau của mô hình

Từ tháng 8/2022, Trường Tiểu học “B” Phú Mỹ tận dụng diện tích đất trống trong khuôn viên ở điểm phụ xây dựng mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất”, để giáo viên ứng dụng vào hoạt động dạy học trải nghiệm thực tế cho học sinh. Trên diện tích 30m2, một vườn rau xanh đa dạng đã hình thành với phong phú các loại: Rau muống, rau dền, cải ngọt, bắp cải… Mỗi loại rau được gieo trồng trên từng luống, phát triển tươi tốt, có mái che, hàng rào, xen kẽ trồng một số hoa tạo cảnh quan đẹp mắt. Kinh phí thực hiện mô hình khoảng 10 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học “B” Phú Mỹ Trần Phúc Nhiên cho biết, mô hình sau khi triển khai đến toàn thể giáo viên, nhân viên, ban giám hiệu đã phân công nhiệm vụ từng tổ chuyên môn, thành viên tham gia, hướng dẫn học sinh thực hiện.

Để tạo khí thế ban đầu, trường vận động học sinh đem các loại cây sẵn có ở nhà đến trồng, còn các giáo viên hỗ trợ thêm đất, phân bón và cây giống khác. Vào giờ học trải nghiệm thực tế, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia chăm sóc vườn rau của lớp, như: Nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước… Kế đến, hướng dẫn các em quan sát, phân biệt được các loại rau, biết chăm sóc và thu hoạch cây trồng. Sau khoảng 6 tháng trồng và chăm sóc, những thành quả đầu tiên đã hiện hữu.

Giờ học trải nghiệm sinh động khiến các em rất thích thú. Quá trình lao động, không chỉ giúp các em tiếp cận những kiến thức thực tế, thầy cô còn khéo léo tích hợp giáo dục môi trường, giáo dục về tình yêu lao động và biết sẻ chia vất vả đối với nông dân hay với chính cha mẹ.

Em Châu Ngọc Kim Ngân (học sinh lớp 5G) chia sẻ: “Trước đây, em học môn kỹ thuật bằng lý thuyết qua các tranh, ảnh của sách giáo khoa. Từ khi có vườn rau của trường, em và các bạn được học lý thuyết gắn với thực hành. Chúng em được tham gia chăm sóc, nhận biết các loại rau, cỏ. Về nhà em giúp mẹ trồng và thu hoạch rau”.

Mỗi buổi tổ chức học tập được các giáo viên cùng học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học. Trước khi thực hành, các em được giáo viên phổ biến để nắm rõ các yêu cầu cần đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động và yêu cầu cần đạt được...

Kết thúc buổi học gắn với lao động sản xuất, giáo viên tập trung lớp, nhận xét quá trình lao động của học sinh và biểu dương các em có tinh thần lao động, học tập tốt.

“Từ mô hình này, tôi đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiết trải nghiệm hay giờ ra chơi dành khoảng 5-10 phút hướng dẫn các em làm các việc cụ thể. Học lý thuyết gắn trải nghiệm thực tế giúp các em phát huy tính sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới về xây dựng vườn rau. Một mô hình thu nhỏ nhưng giúp các em hiểu biết về lợi ích sức khỏe, giá trị kinh tế gia đình, quý trọng người lao động và sản phẩm làm ra…” - thầy Nguyễn Văn Hùng (giáo viên Trường Tiểu học “B” Phú Mỹ) cho biết.

Năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân đã định hướng và lựa chọn các trường tiểu học có điều kiện thực hiện một số mô hình, nhằm xây dựng mô hình trường tiểu học đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trong đó, mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất” được đánh giá có hiệu quả, thực hiện tại Trường Tiểu học “B” Phú Mỹ và Trường Tiểu học Hiệp Xương.

Mô hình đạt được mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với học sinh, từ khi có mô hình này, các khối lớp tham gia học tập, lao động tích cực. Còn với giáo viên, tiết học trải nghiệm rất nhẹ nhàng, ít lý thuyết, ưu tiên cùng học sinh thực hành.

Mô hình đã đạt được mục đích cụ thể hóa việc thực hiện nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn. Bước đầu, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc dạy chữ gắn với hoạt động lao động và sản xuất của nhà trường. Không chỉ tạo không khí học tập thoải mái, phát huy tính sáng tạo, tích cực của học sinh, mô hình còn góp phần giúp các em phát triển nhân cách, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống, bổ sung kiến thức thực tế, hiểu hơn về môi trường sống xung quanh.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích