Đoàn viên Võ Thị Thị Bé Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hành trình tìm hiểu vùng đất cổ Óc Eo - Ba Thê của Công đoàn viên chức tỉnh đã để lại cho chị nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là khuôn viên linh thiêng mang đậm dấu ấn văn hóa tại Linh Sơn cổ tự; kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước và nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Di tích Linh Sơn Nam.
Đặc biệt, khi tham dự Hội nghị sinh hoạt chuyên đề hành trình tìm hiểu vùng đất cổ Óc Eo - Ba Thê, các đại biểu đã hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo; tham quan các di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành, phát triển của Vương quốc Phù Nam - một trong những quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á thời cổ đại, cũng như tìm hiểu quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới... đã khơi dậy ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa trong các đoàn viên, thanh niên.
“Những giá trị lịch sử và văn hóa mà chúng ta đang sở hữu là vô cùng quý báu. Hy vọng, thời gian tới, mỗi công đoàn viên nói riêng, người dân tỉnh An Giang nói chung sẽ là một tuyên truyền viên, tích cực tuyên truyền chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử này. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều tài liệu trực quan sinh động, các trang mạng xã hội giới thiệu, tuyên truyền về nền văn hóa Óc Eo để các thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu và khám phá nền di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê” - chị Bé Thơ chia sẻ.
Những năm qua, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê cũng là điểm đến của nhiều tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh để hướng dẫn học sinh về nguồn, tìm hiểu, tham quan. Sau mỗi chuyến hành trình, giúp các bạn đoàn viên, thanh niên và học sinh, những thế hệ trẻ càng thêm yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước, có ý thức giữ gìn và bảo vệ các di tích, lịch sử văn hóa dân tộc.
Tên gọi văn hóa Óc Eo do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đặt sau khi tổ chức khai quật vào tháng 2/1944, tại một gò đất cao trên cánh đồng hướng đông núi Ba Thê. Ông gọi đó là Gò Óc Eo, nơi này hiện thuộc địa phận thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. “Văn hóa Óc Eo” được hiểu là một nền văn hóa khảo cổ, có những đặc điểm chung về di tích, di vật. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dựa vào các kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam. Văn hóa Óc Eo chủ yếu tập trung ở đồng bằng Nam Bộ dọc theo hệ thống sông lớn, hạ nguồn sông MêKông và lưu vực sông Đồng Nai.
Di tích Óc Eo - Ba Thê, được thủ tướng xếp hạng, là Khu Di tích quốc gia đặc biệt. Đó là sự tôn vinh những giá trị to lớn của một trong ba nền văn hóa cổ Việt Nam. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo, phát huy tốt những giá trị của di tích văn hóa Óc Eo, đưa di sản văn hóa Óc Eo xứng tầm với di sản văn hóa cả nước và thế giới. Tỉnh An Giang đã xây dựng hồ sơ giai đoạn 1, Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã cử chuyên gia đến thực hiện quy trình tập trung theo quy định của UNESCO. Phấn đấu đến năm 2026, tỉnh An Giang sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ chính thức trước UNESCO tại Pháp.
Ngoài Khu Di tích Khảo cổ và Kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ còn xếp hạng 2 di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ là di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp); di tích Tháp cổ Vĩnh Hưng (tỉnh Bạc Liêu). Trên địa bàn tỉnh, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có di tích văn hóa Óc Eo, chỉ riêng TP. Long Xuyên có thể do tốc độ phát triển đô thị nên chưa tìm thấy dấu tích. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Óc Eo - Ba Thê có 34 di tích tiêu biểu, chia ra 2 khu vực, tổng diện tích 433,2ha.
Những năm qua, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê được tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho xây dựng trụ sở làm việc, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, giao thông dẫn đến khu di tích… Hiện nay, tỉnh đã và đang từng bước đề xuất kiểm kê, xếp hạng di tích và bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo. Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo đã đề nghị xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh và 2 bảo vật quốc gia. Toàn tỉnh có 84 di tích được UBND tỉnh công bố danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2020 - 2025) tại Quyết định 2252/QĐ-UBND, ngày 23/9/2020. Có 5 di tích đã được xếp hạng: Di tích Tháp Cổ An Lợi, di tích Hố Thờ An Lợi (huyện Tri Tôn), di tích Gò Cây Tung (TX. Tịnh Biên), di tích Đá Nổi và di tích Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn).
MỸ HẠNH