Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

20/09/2022 - 07:17

 - Nhu cầu tiếp nhận lao động ở thị trường ngoài nước gia tăng, là thời cơ thuận lợi để đưa lao động đi xuất khẩu lao động. Do đó, tỉnh đã tăng cường tư vấn, tuyển chọn, tạo nguồn và hỗ trợ người lao động (NLĐ) đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, hướng đến thị trường uy tín, có thu nhập cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều hỗ trợ người lao động

Hiện nay, nhu cầu tiếp nhận lao động ở thị trường nước ngoài đang gia tăng. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đang có nhu cầu rất lớn về NLĐ. Từ đầu năm đến nay, An Giang có 311 lao động làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Thị trường lao động ở Nhật Bản khá ổn định, đa ngành nghề, mức lương tương đối  cao 

Ông Trần Khiêm Tiến (Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại An Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngành nghề chính xuất khẩu lao động thuộc nhóm nghề công xưởng, thực phẩm, đóng gói… mức lương cơ bản từ 20-25 triệu đồng/tháng (sau khi trừ chi phí thuế, sinh hoạt). Nếu tăng ca sẽ cao hơn thì từ 30-40 triệu đồng, tùy thuộc mức độ và doanh nghiệp (DN).

HĐND tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021-2025. Chính sách hỗ trợ cho NLĐ có hộ khẩu thường trú (hoặc mã số định danh) trên địa bàn tỉnh, thuộc hộ khó khăn về kinh tế (được địa phương xác nhận); bộ đội xuất ngũ, công an phục viên đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua trung tâm dịch vụ việc làm (công lập) trên địa bàn tỉnh, DN có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật (được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, công bố rộng rãi trong tỉnh). 

NLĐ thuộc nhóm đối tượng này khi tham gia xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm chi phí đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí đi lại (1 lượt đi và về), lệ phí cấp hộ chiếu, cấp phiếu lý lịch tư pháp, chi phí khám sức khỏe.

Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ tín dụng tối đa 100% chi phí theo hợp đồng ký kết với DN dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tối đa 100 triệu đồng/NLĐ). Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Thời hạn vay vốn không vượt quá thời hạn làm việc ghi trong hợp đồng ký kết giữa NLĐ và DN dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài… 

Tư vấn, hướng nghiệp và phỏng vấn xuất khẩu lao động

Tăng cường tuyên truyền

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu đưa 1.500 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, bình quân mỗi năm ít nhất 300 lao động, tập trung thị trường thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, các ngành liên quan tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, hướng vào đối tượng lao động trẻ, lao động vùng nông thôn, lao động có trình độ (bộ đội xuất ngũ, học sinh trường THCS, THPT, trường nghề…).

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang phối hợp các địa phương và DN xuất khẩu lao động đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, tạo nguồn và phối hợp đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Đầu năm, trung tâm tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm; các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức tư vấn việc làm, kết hợp DN để tìm kiếm nguồn lao động, giới thiệu thị trường tiềm năng.

Tại huyện Phú Tân, đến tháng 8/2022, đã có 75 lao động được tư vấn xuất khẩu lao động. Trong đó, 53 người đang học, 22 người đã xuất cảnh, nhiều nhất là thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kết nối Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang, thường xuyên thu thập, cập nhật, lưu trữ về thị trường lao động nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng.

Trong đó, Trung tâm Giáo dục thường xuyên đóng vai trò tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phối hợp với trường học (từ cấp THCS trở lên) lồng ghép, giới thiệu về xuất khẩu lao động trong học sinh. Đây là nguồn lao động trọng tâm trong xuất khẩu lao động, vừa có trình độ, vừa tham gia vào những nhóm việc làm chất lượng ở nước ngoài.

Các địa phương khác cũng kết nối chặt chẽ trong công tác tuyên truyền. Biện pháp chủ yếu là xuống tận cơ sở để tuyên truyền, tận dụng lực lượng người có uy tín, gia đình có người thân đi làm việc và đã tiếp cận chính sách hỗ trợ để minh chứng, tư vấn cụ thể, giải đáp thắc mắc về chính sách, chế độ.

Ngoài ra, phối hợp với DN xuất khẩu lao động tuyên truyền, phổ biến cụ thể đến NLĐ về quy trình xuất khẩu lao động; điều kiện, thời gian, chi phí, mức lương, chế độ đãi ngộ… khi tham gia xuất khẩu lao động. Thông qua các kênh tuyên truyền, NLĐ còn được lưu ý nâng cao cảnh giác, tránh tình trạng cò mồi, lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay.

Công tác xuất khẩu lao động đang mang lại hiệu quả tích cực, giúp giải quyết tốt việc làm, tăng nguồn thu nhập cho lao động địa phương. Với kinh nghiệm học hỏi được ở thị trường nước ngoài, cùng số vốn tích lũy được, nhiều lao động trở về quê hương xây dựng nhà ở, mở cơ sở sản xuất - kinh doanh, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

ĐỨC TOÀN