Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người lao động tại Ðồng Nai.
Theo thống kê, Ðồng Nai hiện còn hơn 367 nghìn liều vaccine phòng Covid-19 đang được bảo quản tại kho Quân khu 7. Ðể đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine đợt thứ 41 cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương huy động toàn bộ hệ thống tiêm chủng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tăng cường cho các huyện, thành phố đông dân cư, vượt quá khả năng của địa phương, tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vaccine.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, lần gần nhất Bộ Y tế phân bổ cho Ðồng Nai 600 nghìn liều vaccine phòng Covid-19 là quá nhiều, trong khi một số địa phương khác có dân số đông nhưng số lượng vaccine được phân bổ ít hơn. Do đó, tỉnh Ðồng Nai kiến nghị Bộ Y tế cần xem xét phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho hợp lý, tránh tình trạng dư thừa, dẫn đến quá hạn, gây lãng phí. Ðồng Nai đã huy động cả hệ thống chính trị nỗ lực tuyên truyền, vận động và triển khai tiêm vaccine, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận tâm lý một bộ phận người dân không muốn tiêm mũi 4, vì dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt. Thời gian tới, Ðồng Nai vẫn tiếp tục kiên trì, vận động người dân, doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 23/6, tổng số vaccine mà tỉnh được phân bổ là 3.463.939 liều, trong đó đã sử dụng 3.171.258 liều; số còn lại đang tiêm. Toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi bổ sung đạt 100%, mũi nhắc lại lần 1 đạt 78,9%, mũi nhắc lại lần 2 đạt 4,9% cho người dân từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đạt 99,8%; tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 62,9%, tiêm mũi 2 đạt 36,2%.
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Bến Tre, nhiều ngày liền, tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh rất chậm, chỉ khoảng 1.000 liều/ngày, trong khi năng lực tiêm chủng có thể đạt từ 35 nghìn đến 50 nghìn liều/ngày. Nguyên nhân do một số người dân chủ quan trước tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, hiểu nhầm mũi bổ sung là mũi nhắc lại (nghĩ tiêm ba mũi là đủ), nghĩ đã mắc Covid-19 là đủ miễn dịch hay bệnh không còn nguy hiểm, sợ phản ứng, tác dụng phụ sau tiêm chủng...
UBND tỉnh Bến Tre đã ký công văn yêu cầu ngành y tế, các địa phương rà soát, thống kê cụ thể đối tượng cần tiêm mũi 3, mũi 4, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để có kế hoạch tiêm chủng kịp thời và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19. UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh và ngành y tế trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu lợi ích của vaccine phòng Covid-19. Lãnh đạo, cán bộ các đơn vị phải làm gương, đi đầu trong thực hiện tiêm chủng, thể hiện tinh thần tiên phong, vai trò nêu gương trong việc tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng hướng dẫn, bảo đảm độ phủ vaccine trong cộng đồng. Ðồng thời, tỉnh đề nghị tăng cường tổ chức các điểm tiêm lưu động tại trường học, khu công nghiệp, cụm dân cư... để tăng tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tính đến ngày 24/6, tỉnh Ðồng Tháp đã tiêm 3.696.115 liều vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (tiêm mũi 1 đạt 99,86% số dân; tiêm mũi 2 đạt 99,15% số dân); người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm 320.331 liều; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm 192.543 liều... Dù đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng gần đây, tốc độ tiêm khá chậm. Theo bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ðồng Tháp, tỉnh có tình trạng tồn vaccine là do người dân có nhiều biểu hiện lơ là với tình hình dịch Covid-19, cho nên khó vận động tiêm chủng. Một số thông tin thất thiệt về tác dụng phụ của vaccine khi tiêm mũi bổ sung, hoặc mũi tăng cường dẫn đến tâm lý lo ngại. Bên cạnh đó, một số ý kiến chủ quan cho rằng, tiêm 3 mũi vaccine vẫn bị nhiễm nên không muốn đi tiêm.
Theo UBND tỉnh Ðồng Tháp, toàn tỉnh đang tồn gần 45 nghìn liều vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, các đơn vị tiếp tục triển khai tiêm chủng các đợt và đẩy nhanh tiến độ tiêm, bảo đảm sử dụng hiệu quả vaccine đã được phân bổ. Tỉnh Ðồng Tháp dự kiến từ ngày 27/6 sẽ triển khai tiêm liều nhắc lại lần 2 cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Tỉnh cũng tổ chức truyền thông, kết hợp việc chuẩn bị các điểm tiêm theo dạng duy trì chiến dịch tiêm thường xuyên để đến ngày 30/6 tiêm cho kịp thời hạn của vaccine, tránh lãng phí vaccine. Ngoài ra, Ðồng Tháp cũng lên kế hoạch triển khai tiêm liều nhắc lại (mũi 3) cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua, mặc dù ngành y tế các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện tiêm chủng, tuy nhiên do tâm lý chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều người đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng việc tiêm mũi 3 và 4 là không cần thiết... cho nên tỷ lệ tiêm có xu hướng chậm lại, xuất hiện tình trạng tồn đọng vaccine, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Bộ Y tế đề nghị Cục Y tế dự phòng có công văn đốc thúc các tỉnh, thành phố hiện tiêm liều cơ bản dưới 95% và các địa phương tiêm liều thứ 2 cho trẻ từ 12 đến 17 đạt tỷ lệ tiêm thấp. Ðề nghị các tỉnh báo cáo tình hình tiếp nhận sử dụng vaccine có hạn đến tháng 6/2022; thống kê báo cáo tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; số vaccine đã sử dụng, số còn tồn. Ðến 30/6, nếu địa phương chưa tiêm hết cho các đối tượng theo hướng dẫn trong khi vẫn dư thừa vaccine thì địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm...
Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày 24/6, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên nêu rõ, không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là TP Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh phía nam phải nâng tỷ lệ cao hơn nữa, hiện tốc độ tiêm chủng rất chậm so với các tỉnh miền trung và phía bắc.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, xác định đối tượng tiêm, tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vaccine cho các đối tượng theo hướng dẫn. Căn cứ vào kế hoạch được phân bổ vaccine, xây dựng kế hoạch tiêm cho từng tuần, từng địa phương. Ðáng chú ý, địa phương nào không nhận vaccine thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch trên địa bàn.
Ðến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và đã tiêm được hơn 226,7 triệu liều. Công tác tiêm chủng được tổ chức bảo đảm an toàn. Thống kê cho thấy, mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn đã hoàn thành; mục tiêu tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi cơ bản hoàn thành; mục tiêu tiêm nhắc lại cho người lớn, tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%, tuy nhiên tiến độ tiêm nhắc lại trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm; mục tiêu tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này.
Theo HIẾU TRUNG - VƯƠNG NGHĨA (Nhân Dân)