Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển

13/03/2023 - 04:07

 - “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là tất yếu khách quan.

Hội thảo toàn quốc “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” tại điểm cầu tỉnh An Giang

Cách đây 80 năm, tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo tiếp tục khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới, nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Theo các nhà nghiên cứu, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” xứng đáng là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam. Ba năm sau ngày Đề cương ra đời, từ điểm tựa lý luận của văn kiện này, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (khai mạc ngày 24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc và khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”…

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, đặc biệt kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của văn hóa cũng như các mục tiêu phát triển văn hóa cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhất là, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đây vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Trải qua 80 năm, các luận điểm của Đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa…

Hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” với 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc; vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hội thảo thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Sự ra đời của Đề cương đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hội thảo chỉ rõ quá trình vận dụng, kế thừa, phát triển các giá trị cốt lõi của Đề cương để hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng suốt 80 năm qua. Đồng thời, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển các quan điểm của Đề cương vào thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc. Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương để lại nhiều bài học quý báu, về: Sự kiên định, kế thừa và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử; sự hài hòa và toàn diện giữa ý Đảng, lòng dân; về phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa…

HỮU HUYNH