Để ngành du lịch “cất cánh”

04/12/2023 - 06:22

 - Du lịch (DL) được xác định là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang (cùng với nông nghiệp), góp phần quan trọng tạo việc làm, sinh kế cho người dân; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Du khách tham quan du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Ảnh: THANH HÙNG

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2023, DL Việt Nam khởi sắc hơn. Trong 10 tháng của năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ DL đạt 582.600 tỷ đồng.

DL là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi DL có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. DL Việt Nam còn nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng “Điểm đến hàng đầu Châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á 2023”, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của DL Việt Nam trên thị trường quốc tế. DL là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách DL khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, để phục hồi, phát triển ngành DL, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các công ty, doanh nghiệp (DN) DL, lữ hành… Ngành DL An Giang đã tập trung phát triển đồng bộ các loại hình DL, trong đó DL tâm linh giữ vai trò trọng tâm, chủ yếu tập trung tại Khu du lịch quốc gia núi Sam, Khu du lịch núi Cấm, các điểm di tích, đình, đền, chùa của các tôn giáo tập trung xung quanh vùng Bảy Núi.

Các hoạt động DL sinh thái - nghỉ dưỡng tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân, như: DL sinh thái rừng tràm Trà Sư, điểm tham quan sinh thái Mỹ Luông, điểm tham quan Khu du lịch Cồn Én (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), dịch vụ DL cắm trại, dã ngoại vùng Bảy Núi, DL trekking núi Cấm… góp phần đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ DL An Giang.

Bên cạnh đó, các loại hình văn hóa, giải trí về đêm, chợ đêm… tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng chất theo hướng thương mại - dịch vụ, đặc biệt tại các khu vực đô thị: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu để thu hút du khách đến tham quan và giữ chân du khách lưu trú dài ngày hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, DL là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, liên quan tới các vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân; “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân”.

Theo đó, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành nghề, DN trong lĩnh vực DL nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 82/NQ-TTg của Chính phủ với phương châm “Liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”. Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế.

Tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các DN, nhất là các DN lớn đầu tư cho phát triển DL. Thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công - tư trong phát triển DL; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng DN, hình thành nhiều DN DL có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh DL ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong hoạch định, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư duy về quản lý và phát triển DL; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm gắn với DL theo phương châm “Nhà nước, DN, Nhân dân đồng hành phát triển DL”.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực DL, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp yêu cầu hội nhập. Xây dựng các mô hình, sản phẩm DL mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá DL. Tăng cường quản lý môi trường DL, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, DN trong xây dựng môi trường DL văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ DL”. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái DL thông minh… Từ đó, đưa DL Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và “cất cánh”.

MINH THƯ