Đề nghị đồng thuận di dời, nâng cấp chợ

12/01/2023 - 04:35

 - Báo An Giang nhận được đơn của vợ chồng ông Phạm Văn Thi, bà Bùi Ngọc Cẩm (ngụ ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), phản ánh địa phương giải phóng mặt bằng thi công xây dựng chợ Hòa Bình mà không giải quyết thỏa đáng chính sách bồi thường.

Theo vợ chồng ông Phạm Văn Thi, gia đình họ là chủ sử dụng ki-ốt A2 tại chợ Hòa Lạc. Ki-ốt này sang nhượng lại của bà Nguyễn Thị Thương từ năm 2011. Giấy tờ mua bán ki-ốt giữa UBND xã Hòa Lạc với bà Thương là hợp lệ, nêu rõ "cho phép xây cất nhà ở để mua bán kinh doanh". Chính vì vậy, họ mới mua lại để cất nhà ở, buôn bán ổn định hơn 10 năm nay.

"Đến năm 2021, nhà nước giải phóng mặt bằng để xây dựng mới chợ Hòa Bình, chúng tôi đồng tình và không ngăn cản gì. Tuy nhiên, địa phương buộc chúng tôi phải dọn đi mà không hề thỏa thuận gì cả. Trong khi nơi đây là chỗ ở và buôn bán duy nhất của gia đình tôi sinh sống hàng ngày. Quá bức xúc, chúng tôi khiếu nại về huyện, nhưng không được giải quyết thấu đáo.

Chúng tôi sinh sống, làm ăn tại đây luôn làm tròn nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Nhà đầu tư muốn lấy đất để làm dự án thì phải mua lại ki-ốt hoặc tìm chỗ khác giá trị tương đương để gia đình tôi sử dụng, kinh doanh; đề nghị hủy quyết định cưỡng chế của UBND xã" - bà Bùi Ngọc Cẩm yêu cầu.

Ki-ốt buôn bán trong chợ Hòa Lạc của hộ bà Cẩm

Qua xác minh tìm hiểu, được biết: Ngày 19/10/1993, UBND tỉnh ký Quyết định 414/QĐ-UB về việc công nhận quyền sử dụng đất cho UBND xã Hòa Lạc, diện tích 6.550m2 để xây dựng chợ Hòa Lạc, công trình được xây dựng vào năm 1994. Sau khi chợ hoàn thành, UBND xã Hòa Lạc lập hồ sơ giao quyền sử dụng ki-ốt chợ Hòa Lạc cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng, trong đó có bà Nguyễn Thị Thương, giá tiền 28 triệu đồng.

Trong giấy giao quyền sử dụng ki-ốt có nội dung: Bà Nguyễn Thị Thương được trọn quyền sử dụng ki-ốt làm nhà ở, mua bán, đồng thời chấp hành tốt quy định sinh hoạt ở khu vực chợ do UBND xã ban hành (giấy lập ngày 29/8/1994). Năm 2011, con bà Thương (ông Đặng Thanh Bình) sang nhượng ki-ốt cho vợ chồng ông Phạm Văn Thi, bà Bùi Ngọc Cẩm (tờ sang nhượng được viết tay ngày 11/2/2011, không có xác nhận của UBND xã). Ông Thi, bà Cẩm tiếp tục sử dụng ki-ốt làm nhà ở và mua bán cho đến nay.

Ngày 5/7/2021, UBND huyện Phú Tân ban hành Quyết định 2612/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư xây dựng mới chợ Hòa Bình (chợ Hòa Lạc cũ). Ngày 14/10/2021, UBND huyện ban hành Quyết định 3446/QĐ-UBND, phê duyệt báo cáo kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình; cùng các ngành có liên quan tổ chức họp tiểu thương sử dụng ki-ốt (12 hộ/20 ki-ốt).

Qua đó, triển khai phương thức đầu tư, khai thác chợ Hòa Bình (theo thiết kế hồ sơ công trình), công bố giá chi phí xây dựng cho 1 ki-ốt gần 139 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ 20% (tương đương 28,8 triệu đồng), thời gian ký hợp đồng khai thác, sử dụng 30 năm. Khi công trình xây dựng hoàn thành sẽ bố trí lại cho 12 hộ/20 ki-ốt cũ, mỗi hộ nộp lại 110 triệu đồng/ki-ốt.

Kết quả, có 10/12 hộ thống nhất phương án đầu tư xây dựng mới; 2 hộ không thống nhất là hộ bà Đỗ Thị Thơm (ki-ốt A6) và hộ bà Bùi Ngọc Cẩm (ki-ốt A2). Các ngành và UBND huyện nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với vợ chồng ông Thi. Họ cho rằng, ki-ốt A2 tại chợ Hòa Lạc do họ sang nhượng lại của bà Thương từ năm 2011, giá 150 triệu đồng. Sau khi sang nhượng, họ nâng cấp, sửa chữa làm nhà ở, mua bán ổn định. Đây là tài sản của gia đình, vì vậy khi nhà nước muốn lấy đất làm dự án phải thương lượng mua lại đất, ki-ốt với giá 2 tỷ đồng.

Thực tế, giấy giao quyền sử dụng ki-ốt chợ Hòa Lạc lập ngày 29/8/1994 giữa UBND xã Hòa Lạc với bà Nguyễn Thị Thương chỉ thể hiện giao quyền sử dụng ki-ốt, không giao quyền sử dụng đất xây dựng ki-ốt. Tờ sang nhượng ki-ốt giữa gia đình bà Thương với ông Thi, bà Cẩm cũng thể hiện sang nhượng ki-ốt. Do đó, ông Thi, bà Cẩm cho rằng, đất xây dựng ki-ốt A2 thuộc quyền sử dụng của ông, bà là không đúng.

Trung tâm Tư vấn và Kiểm định Xây dựng An Giang đã kiểm định công trình xây dựng mới chợ Hòa Bình, hạng mục Nhà lồng bách hóa tổng hợp (hiện trạng), kiến nghị: Nhà lồng được xây dựng vào năm 1994, đến thời điểm kiểm định thì niên hạn sử dụng đã 28 năm. Hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng, cấu kiện bị hư hỏng, không thể cải tạo, mà cần phải xem xét khẩn cấp, kịp thời có biện pháp tháo dỡ, nhằm tránh nguy cơ có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Do đó, việc ông Thi, bà Cẩm cho rằng nhà nước muốn lấy đất làm dự án chợ Hòa Bình phải thương lượng mua lại đất, ki-ốt của ông, bà với giá 2 tỷ đồng là không có cơ sở. Để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, địa phương thông báo đề nghị ông Thi, bà Cẩm di dời ra khỏi nhà lồng chợ để công trình thi công, nhưng họ vẫn chưa tự nguyện di dời. Vì vậy, ngày 13/12/2022, UBND xã Hòa lạc ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ di dời, sẽ thực hiện trong thời gian tới.

K.N