Theo ông Vĩnh, hơn 87 năm trước, ông nội của ông đến khai phá đất rẫy tại khu vực đất Ô Sình (núi Dài) và sinh sống tại đây. Năm 1962, do chiến tranh tàn phá, ông nội của ông sơ tán xuống đất bằng khu vực xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc) sinh sống và qua đời năm 1967. Sau ngày giải phóng (năm 1975), anh em của ông tiếp tục lên phần đất này sinh sống, trồng cây. Năm 1996-1997, họ cất phủ thờ bằng gỗ, tre để thờ cúng tổ tiên.
"Năm 1999, tôi nhận khoán trồng rừng của nhà nước 6,3ha tại khu vực ông bà tôi khai phá trước đó. Nhà phủ thờ bị xuống cấp, đầu năm 2022, gia đình tôi xây cất lại kiên cố; cất lán trại để ở và chứa nông sản khi thu hoạch. Đến tháng 12/2022, xã Lương Phi đến lập biên bản, cho rằng tôi cất trái phép trên đất rừng phòng hộ, buộc tháo dỡ, đồng thời xử phạt 4 triệu đồng. Tôi thừa nhận cất không phép và chấp hành đóng phạt, nhưng xin giữ lại phủ thờ và lán trại, bởi trước khi tôi nhận giao khoán trồng rừng đã có nhà phủ thờ này. Rất mong cơ quan chức năng xem xét giải quyết thấu lý đạt tình”- ông Vĩnh phân trần.
Công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ của ông Lê Hoàng Vĩnh
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Lương Phi cho biết, năm 1936, ông Lê Công Đồng (ông nội của ông Lê Hoàng Vĩnh) từ Ba Chúc lên ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi khai phá đất rừng, trồng cây ăn trái, đến năm 1967 bị bệnh mất nên đất bỏ hoang. Sau ngày 30/4/1975, các cháu nội của ông Đồng, gồm: Ông Lê Hoàng Nhi, Lê Hoàng Vĩnh, Lê Công Tảo tiếp tục lên khai phá và trồng cây ăn trái, cây dó bầu (trong đó ông Vĩnh được khoảng 6ha).
Đến năm 1996, ông Vĩnh cất căn chòi tạm (ngang 8m, dài 12m) bằng gỗ tạp, mái, vách lợp tole để giữ vườn và thờ ông bà. Đến ngày 10/10/1999, ông Vĩnh được Trạm Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ đặc dụng tỉnh An Giang giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ 4ha đất rừng (trên diện tích đất ông khai phá) để trồng rừng đến năm 2049; được ký hợp đồng tại UBND thị trấn Ba Chúc (Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc ký xác nhận).
Vào tháng 2/2022, ông Vĩnh xây dựng phủ thờ mới (cách chòi cũ khoảng 400m về hướng đông bắc) để thờ cúng ông bà và các công trình khác, như: 1 nhà phủ thờ có kết cấu mái tole, khung bê-tông cốt thép, vách gạch xây, nền lót gạch men, diện tích 136m2; 1 nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng bê-tông năm 2019 (trên đất của ông Lê Quốc Công, cháu ruột của ông Vĩnh); 1 khu nhà vệ sinh có 8 phòng, bê-tông cốt thép kiên cố (xây dựng trên đất của bà Võ Thùy Trang); 1 lán trại 230m2, mái tole, cột bê-tông cốt thép, không vách, nền đất, có gác lửng; 1 bồn chứa nước 20m3, mái tole, khung bê-tông.
Ngoài ra, còn xây dựng các công trình khác, như: Đường bê-tông, vườn hoa xung quanh phủ thờ, đào đất trên 50m2, sâu 1m để làm hồ trồng sen. Hàng ngày, có 5 đến 6 thợ hồ lên làm công, 4 người thường xuyên ở trông coi việc xây dựng với ông Vĩnh. Ông Vĩnh báo với Công an thị trấn Ba Chúc khi có người lên ngủ qua đêm.
Sau khi xác định lại mốc giới hành chính thuộc xã Lương Phi quản lý, UBND xã Lương Phi phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập đoàn tiến hành kiểm tra thực tế và mời hộ ông Vĩnh làm việc (từ ngày 27/12/2022 đến 7/2/2023), tổng cộng 10 lần (6 lần kiểm tra thực tế và 4 lần mời về UBND xã làm việc, đều có biên bản ký nhận đầy đủ). Qua các lần làm việc, ông Vĩnh thừa nhận xây dựng các công trình trên đất rừng phòng hộ không xin phép là sai, vi phạm pháp luật. Ông Vĩnh tự nguyện giao nộp 16 tượng Phật các loại do khách thập phương đến cúng, trưng bày xung quanh phủ thờ.
Đoàn công tác xã Lương Phi tiến hành lập biên bản ghi nhận hiện trạng, yêu cầu ông Vĩnh ngừng thi công công trình phụ; tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không xin phép, trả lại hiện trạng ban đầu theo đúng nội dung làm việc được ghi nhận. Đồng thời, không được tụ tập đông người lưu trú trái phép. Nhưng đến nay, ông Vĩnh chưa tháo dỡ.
Căn cứ mức độ vi phạm, ngày 7/2/2023, UBND xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên đất rừng phòng hộ đối với ông Vĩnh. Trong thời hạn 30 ngày, ông Vĩnh buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình đã xây dựng không xin phép, trả lại hiện trạng ban đầu. Ông Vĩnh nộp phạt, nhưng gửi đơn về huyện xin được giữ lại phủ thờ. Hết thời hạn 30 ngày, nếu ông Vĩnh chưa thực hiện tháo dỡ, địa phương sẽ xin ý kiến UBND huyện để có hướng xử lý tiếp theo đúng pháp luật hiện hành.
K.N