Mấy thập niên trở lại đây, nhất là sau khi có hầm Hải Vân, con đèo cùng tên trở thành một địa điểm du lịch có tiếng.
Cứ mỗi dịp đi công tác qua đây, chúng tôi thường bàn tán, tranh luận sôi nổi: Đi qua hầm hay đi đường đèo? Có bận còn phải giơ tay biểu quyết bởi người muốn, kẻ không; thế nên, cái sự xe ta thong dong trên đường đèo quả thú vị vô cùng. Ở trên đèo cao, thưởng lãm vẻ đẹp của đất trời, non nước, mới thấy thực là giang sơn cẩm tú.
Tôi có anh bạn đồng nghiệp, mấy năm trước chuyển thiết bị điện tử vào trong Nam. Anh chọn đi tàu bởi chưa từng một lần được ngắm đèo Hải Vân. Những đoàn tàu đi qua đoạn đường sắt Lăng Cô-đèo Hải Vân thường di chuyển với tốc độ 15km/giờ, do đường có nhiều khúc cua và địa hình hiểm trở. Nhờ tốc độ chậm mà hành khách trên tàu có thể tận hưởng ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên xung quanh đèo Hải Vân huyền thoại. Chả hiểu sao chuyến đó anh lại... ngủ quên. Bạn bè nghe anh vào trong Nam “kể khổ” bên bàn nhậu, không ai nhịn được cười. Chuyến đi đặc biệt hóa thành "cơn ác mộng" khi anh chợp mắt không đúng thời điểm. Cuối cùng, anh bạn đồng nghiệp hủy bay, đi tàu ra Bắc cho thỏa ước mơ. Lần này, anh mãn nguyện vô cùng. Còn chúng tôi cũng mừng cho anh, rồi mơ ước sớm có dịp trở lại đèo Hải Vân, thả hồn vào khung cảnh thần tiên nơi đây.
Đèo Hải Vân-Đệ nhất hùng quan. Ảnh:TTXVN
Chúng tôi lên kế hoạch đi chơi rừng Bạch Mã. Xui thế nào lên đến nơi mấy chị nhân viên bán vé thông báo: “Tạm thời dừng bán vé cho du khách tham quan, vì đất đá sạt lở, đường phải sửa chữa”.
Cảm giác hụt hẫng của chúng tôi chắc cũng giống lúc anh bạn đồng nghiệp bừng tỉnh giấc khi đoàn tàu bỏ lại phía sau đèo Hải Vân. Rất nhanh, cả hội quyết định không lên được núi Bạch Mã thì đi chơi đèo Hải Vân. Đến nơi, đúng dịp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tiến hành trùng tu, phục hồi di tích Hải Vân quan. Trò chuyện với mấy bác thợ xây, chúng tôi được biết di tích lịch sử này sẽ được trùng tu theo hiện trạng dưới triều Nguyễn, thời Vua Minh Mạng. Trong không khí se se lạnh, sương mù trên đỉnh núi trườn xuống dưới chân bàn, mọi người nhâm nhi chút cà phê nóng, như thả hồn mình vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí đắc địa, được mệnh danh là “yết hầu” của kinh thành Huế. Với tầm nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên hiểm trở nơi này để xây dựng thành cao lũy hiểm. Trong giai đoạn 1945-1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây như vọng gác, lô cốt, nhằm trấn giữ con đường huyết mạch này. Đặc biệt, trên đỉnh của hai cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng đạn.
Hòa bình lập lại, non sông liền một dải, đèo Hải Vân vẫn giữ cho mình những huyền tích, giai thoại. Mỗi lần đi trên đường đèo này, phóng tầm mắt, du khách có thể ngắm nhìn được một phần thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... Đi trên đèo Hải Vân, chúng tôi cứ ước đường đèo uốn lượn quanh co dài mãi, như con tàu chạy hoài không cần bến đỗ, để mọi người thu vào trong bộ nhớ cảnh đẹp nơi đây.
Đứng trên cao, chúng tôi nhìn đoàn tàu chạy qua đèo Hải Vân, đoạn mũi tàu như con trăn gấm bò ra khỏi hang; khi đoàn tàu dần khuất vào góc cua, như thể con trăn lẩn mình vào khu rừng hùng vĩ. Những cánh chim chao liệng trên trời cao dần hạ mình vào vạt rừng khi hoàng hôn buông xuống. Tài nguyên, hệ sinh thái ở đây rất phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao, như voọc ngũ sắc, cu li nhỏ, gà lôi trắng, gà lôi hồng tía, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, sơn dương. Nhìn những cánh chim bay về tổ khiến lữ khách trào dâng cảm xúc nhớ nhà.
Nước non hữu tình, khung cảnh nên thơ khiến du khách như muốn ôm trọn cả đất trời vào lòng. Đúng là “thiên hạ đệ nhất hùng quan” có khác.
Theo HÀ THÀNH (Quân đội nhân dân)