Vụ đông xuân có ý nghĩa quan trọng trong năm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2024 - 2025 toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm 227.882ha/227.916ha lúa, đạt 99,99% kế hoạch xuống giống. Cơ cấu tập trung 5 giống chủ lực, gồm: Đài Thơm 8, diện tích khoảng 99.346ha, chiếm 43,8%; giống OM 18, diện tích 38.923ha, chiếm 17,1%; giống IR 50404, diện tích 26.537ha, chiếm 11,7%; giống OM 5451, canh tác với diện tích 23.033ha, chiếm 10,1%; nếp diện tích xuống giống 16.836 ha, chiếm 7,4% và các loại giống khác chiếm 9,9%. Tính đến ngày 6/1, trà lúa gồm giai đoạn mạ khoảng 59.712ha, chiếm 26,6%; giai đoạn đẻ nhánh khoảng 130.078ha, chiếm 57,9% và giai đoạn đòng khoảng 34.801ha, chiếm 15,5% tổng diện tích.
Ông Võ Văn Thể (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) xuống giống 7ha lúa, với 2 loại giống chủ lực là Đài Thơm 8 và OM 18. Diện tích lúa đang phát triển ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Do đây là vụ chính trong năm, nên ông Thể tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn, thường xuyên thăm đồng, theo dõi thường xuyên dự báo sâu bệnh để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Ông Võ Hoàng Kim (ngụ cùng xã) cho biết, hơn 3ha lúa canh tác giống IR 50404 của gia đình khoảng 45 ngày tuổi. Tuy có xuất hiện sâu bệnh, nhưng mật độ không nhiều, không ảnh hưởng đến năng suất. Để đảm bảo “ăn chắc” trong vụ này, ông Kim áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thăm ruộng thường xuyên để sớm phát hiện các đối tượng gây hại và chủ động trong việc xử lý…
Khảo sát ở các địa phương, một số đối tượng gây hại từ đầu vụ đến nay gồm ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, chuột, muỗi hành… Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ trên 14.400ha, chiếm 6,3%, diện tích nhiễm trung bình 57ha, chiếm 0,03% diện tích sản xuất.
Căn cứ dự báo tình hình dịch hại của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, vụ đông xuân 2024 - 2025, dự báo sâu, bệnh hại có khả năng xuất hiện và gây hại trên các trà lúa, gồm: Sâu năn (muỗi hành), rầy nâu, rầy phấn trắng, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông… Trong đó, cần lưu ý đối với các ruộng đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trị sâu năn (muỗi hành) làm giảm mật số thiên địch, phòng trừ dịch tự nhiên và có khả năng bộc phát đối tượng rầy nâu ở các giai đoạn của cây lúa.
Với diễn biến tình hình sâu hại, dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, bà con nông dân cần chủ động các biện pháp phun xịt phòng trừ dịch hại, tăng cường thăm đồng và bón phân, chăm sóc lúa trong thời gian này để vụ sản xuất hiệu quả hơn. Cùng với đó, tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất, quản lý dịch hại trên lúa chủ động, kịp thời, hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi sản xuất lúa vụ đông xuân 2024 - 2025. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra việc lưu thông, cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa; chú trọng kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định…
ĐỨC TOÀN