Đền Rừng linh thiêng ven sông Hồng

04/04/2025 - 13:31

Đền Rừng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) sẽ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 1168/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 28-2-2025. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm để người dân nơi đây giữ gìn, phát huy những giá trị với thời gian của di tích.

Điểm đến lịch sử, văn hóa khác lạ giữa lòng Hà Nội

Giữa phố phường sầm uất của Thủ đô có một ngôi đền ven sông tĩnh lặng, bình yên. Điều khác lạ từ ngay tên gọi, ngôi đền ấy lại mang tên là “Đền Rừng”, gợi nhớ về những nơi xa xôi, phải lên thác xuống ghềnh hay dân tộc thiểu số hẻo lánh, thưa người.

Đền gắn với huyền tích chữa bệnh cứu người linh thiêng của chúa Thượng Ngàn. Truyền thuyết kể rằng, ông Lê Văn Năm (không rõ năm sinh) là người làng Gia Thượng làm nghề chài lưới và vợ Phạm Thị Gái (1887-1947) sinh sống ở ven sông Hồng. Bình sinh bà Gái hay ốm yếu. Trong một lần đi cắt cỏ ở ghềnh đất cao ven sông, bà được lạc vào tiên cảnh Thượng Ngàn và được thần tiên giúp chữa khỏi bệnh tật. Cảm tạ công ơn, vợ chồng ông bà cùng nhân dân đã tôn tượng chúa Thượng Ngàn để thờ phụng tại ngôi đền ven sông. Qua thời gian, đức chúa Thượng Ngàn đã nhiều lần hiển linh, ban sức khỏe, no ấm, bình yên cho nhân dân.

Đền Rừng linh thiêng ven sông Hồng

Cổng vào đền Rừng.

Trải qua năm tháng và những lần tu tạo, hiện đền Rừng gồm hạng mục các công trình kiến trúc độc đáo: Đền chính, cung Sơn Trang, cung Quan Đệ Tam, Ban Mẫu bán thiên, nhà Tổ, nhà khách, công trình phụ trợ, sân vườn. Di tích hiện lưu giữ được 91 hiện vật tiêu biểu mang giá trị lịch sử, khoa học như bát hương gốm Thổ Hà, tượng 2 vị chúa bà bằng đồng; tượng Linh Lang Đại Vương… Hằng năm, Xuân Thu nhị kỳ và các tiết lễ, dân làng Gia Thượng đều tổ chức lễ cầu phúc, cầu mùa hoặc khi có dịch bệnh, thiên tai, dân làng cầu đều rất ứng nghiệm.

Đền Rừng linh thiêng ven sông Hồng
Lối dẫn từ sông Hồng vào đền Rừng.

Đền Rừng một mặt hướng ra sông Hồng quanh năm gió mát ngày nay thu hút nhiều du khách. Đặc biệt du khách nước ngoài thích tìm hiểu đã truyền tai nhau tìm đến tham quan, thưởng lãm cảnh đền. Cách khu phố cổ Hà Nội không xa, đền có địa thế đẹp, bãi đỗ xe rộng rãi... là những lợi thế lớn để đền thu hút du khách. Đền cũng lưu giữ khá nhiều cây di sản như cây nhãn, cây sanh, cây đa. Nhưng hơn cả là nét văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Du khách tới đây có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa dân gian qua các hoạt động như múa lân, hát Văn, trình diễn trò chơi dân gian vào mỗi dịp lễ hội truyền thống...

Phát huy giá trị di tích

Một ngày đầu tháng 4, ông Hoàng Xuân Mai, Thủ nhang đền Rừng cùng các đồng sự tại Ban Quản lý di tích đền Rừng bận rộn rất nhiều việc để chuẩn bị cho lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử của Thành phố Hà Nội. Chỗ thì thêm bộ bàn ghế để người đến đền có thể nghỉ ngơi, uống ngụm nước chè xanh; chỗ kia lại mắc thêm cái rèm tre để che mưa, chắn nắng và cũng mang lại cảm giác thoải mái cho khách đến. Phía sông, nhà đền cho trồng thêm cây, dự định mở rộng đường xuống bến sông... để tạo thuận lợi cho du khách.

Đền Rừng linh thiêng ven sông Hồng
Cảnh bình yên trong đền.

Bận rộn là vậy nhưng khi giới thiệu với chúng tôi về ngôi đền, ông Hoàng Xuân Mai vẫn không quên bày tỏ mong muốn và cũng là trăn trở để làm sao để đền Rừng trở thành điểm tham quan và tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu của giới trẻ. “Tôi tin rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về sự gắn kết, lòng biết ơn và tinh thần nhân văn. Do đó, những giá trị này cần được lan tỏa hơn nữa trong các bạn trẻ theo đúng giá trị thật, nguyên bản là bày tỏ tấm lòng thành tri ân tới tổ tiên, cội nguồn, tới chư vị đã có công dựng xây đất nước, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Đó là nét đẹp tín ngưỡng văn hóa của người Việt, của tín ngưỡng thờ Mẫu, mà chúng ta cần cùng nhau gìn giữ, phát triển”, ông Hoàng Xuân Mai bày tỏ.

Đền Rừng linh thiêng ven sông Hồng
Thực hành nghi lễ thờ Mẫu tại đền Rừng.

Vì lòng tin này mà vài năm trước ông Hoàng Xuân Mai đã đưa ra sáng kiến dùng mã tranh trong các giá đồng. Là một thủ nhang, từng thực hiện nhiều khóa lễ theo nghi thức truyền thống ông Mai và đệ tử đã đốt rất nhiều vàng mã. Nhưng khi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra khuyến cáo không dùng nhiều vàng mã trong việc thờ cúng, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường, ông suy nghĩ rất nhiều và cho rằng cần ủng hộ chủ trương này bởi hầu đồng cốt nhất vẫn phải xuất phát từ tâm và những giá trị thực. Nhưng làm thế nào bởi không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận một phong tục tập quán đã “ăn sâu bén rễ”? Ông mày mò nghĩ ra cách thiết kế 3D thay cho vàng mã, ngựa, mũ áo bằng giấy và gọi đó là “mã tranh”. Mã tranh giúp giảm hẳn việc đốt vàng mã sau mỗi giá đồng khi thông thường, một giá đồng tối thiểu cũng chừng 20 triệu đồng, thì nay chỉ còn 1,2 triệu đồng. Nhờ văn minh mà vẫn giữ những phong tục truyền thống nên ý tưởng mã tranh được nhiều người ủng hộ.

Ngoài ra, để giữ gìn truyền thống, ông Mai cũng là người tiên phong trong việc mặc áo dài tại di tích. Du khách được khuyến khích mặc áo dài tới đây. Tại di tích cũng ban hành nhiều quy định văn minh như công khai, minh bạch tiền công đức, bài trừ mê tín dị đoan... Ông Mai đã vinh dự được nhận nhiều chứng nhận, bằng khen, trong đó có danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2022, 2023 do UBND thành phố, UBND phường Ngọc Thụy công nhận; Chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nghệ nhân trình diễn xuất sắc tại Liên hoa Hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021; Giấy khen của Sở văn hóa và thể thao Hà Nội; UBND quận Long Biên, Hội Di sản Văn hóa – Thăng Long với những thành tích trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, diễn xướng nghi lễ Chầu Văn của người Việt…

Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ phát triển nhanh chóng, ông Hoàng Xuân Mai cũng tranh thủ mạng xã hội để quảng bá, lan tỏa di tích và tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống. Mạng xã hội tiktok của ông “Thủ nhang đền Rừng” thu hút nhiều người xem, theo dõi. Ông nói: “Giới trẻ tiếp cận công nghệ và lan tỏa nhanh chóng nếu ta bắt đúng nhịp. Tôi mong muốn những việc làm của mình sẽ mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn đúng đắn về nghi lễ hầu đồng, để họ “tín” mà không “mê”. Ngoài ra, tôi cũng mong việc kết nối đền Rừng có thể kết nối với các di tích, điểm đến dọc sông Hồng để nối dài không gian văn hóa, lan tỏa phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tới đông đảo bạn bè thế giới”.

Theo Quân đội nhân dân