Di sản “đỏ rực” ven sông

25/11/2024 - 07:00

 - Làng nghề gạch nung Mang Thít hình thành hơn 1 thế kỷ, là nơi sản xuất gạch và gốm đỏ lớn nhất vùng ĐBSCL. Thời hoàng kim, làng nghề trải dài hơn 30km qua TP. Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), với hơn 3.000 lò hoạt động.

Những lò gạch tròn xếp liền kề tựa như hàng trăm tòa tháp cổ kính, tạo nên khung cảnh độc đáo

Trong những năm 1980, đây là trung tâm sản xuất, cung cấp gạch, gốm cho cả nước và xuất khẩu quốc tế, tạo việc làm cho hàng ngàn người. Mỗi gia đình thường sở hữu 2 - 5 lò gạch, mỗi lò được xây bằng 30.000 viên gạch thẻ, cao 7 - 12m, mang hình dáng tháp tròn nhỏ dần ở đỉnh. Một lò có thể chứa 15.000 viên, nung trong 20 ngày với nguyên liệu chính là tro trấu, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, sau năm 2000, làng nghề bắt đầu suy thoái do chi phí sản xuất cao, sự thay đổi trong thói quen sử dụng vật liệu xây dựng. Nhiều lò gạch bị bỏ hoang, phủ đầy rêu phong, cây cỏ mọc kín. Chỉ còn một số ít xưởng hoạt động cầm chừng vài công nhân. Nghề gốm cũng thiếu hụt thợ lành nghề, trong khi lớp trẻ ít mặn mà tiếp nối truyền thống.

Sản phẩm gốm đa dạng từ làng gạch Mang Thít

Dẫu vậy, làng nghề Mang Thít vẫn đang tìm cách hồi sinh. Các sản phẩm mở rộng sang chậu gốm trang trí, đáp ứng thị trường. Một số lò gạch, gốm chuyển mình thành điểm du lịch, thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Du khách có thể khám phá quy trình làm gốm, chiêm ngưỡng không gian mang đậm dấu ấn làng nghề.

Từ cầu Mỹ Thuận, chỉ cần đi khoảng 10km đến vùng ven sông Cổ Chiên, bạn sẽ bắt gặp cụm lò gạch cổ, sân phơi đầy gạch mới. Không chỉ là nơi lưu giữ di sản lâu đời, làng nghề gạch nung Mang Thít còn là điểm đến hấp dẫn, hòa quyện giữa truyền thống và sự đổi mới.

S.T (Tổng hợp)