Di tích lịch sử cấp quốc gia lăng Thoại Ngọc Hầu

10/07/2024 - 06:19

 - Lăng Thoại Ngọc Hầu (còn được gọi là Sơn Lăng) thuộc phường Núi Sam, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang). Đây là công trình kiến trúc cổ tiêu biểu và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Công trình kiến trúc đồ sộ

Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những thắng cảnh đẹp ở núi Sam, bên cạnh chùa Hang, chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Nếu tính tuổi kiến trúc thì Sơn Lăng trên 200 năm. Lăng được xây dựng năm 1822 (niên hiệu Minh Mạng thứ 3). Là công trình kiến trúc đồ sộ, có sự kết hợp hài hòa trong bố cục thiên nhiên toàn cảnh ở khu vực núi Sam. Vì thế, điểm tham quan này để lại ấn tượng sâu sắc với du khách khi đến Châu Đốc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết: “Sơn Lăng là công trình kiến trúc cổ tiêu biểu và là di tích lịch sử cấp quốc gia đã được xếp hạng năm 1980. Sơn Lăng nằm nơi chân núi Sam, muốn lên lăng, phải qua 9 bậc đá ong dài hơn trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân.

Sân lăng có 2 tiểu đình do người đời sau xây dựng: Một dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn (bản sao) bằng đá cẩm thạch trắng; hai dùng để tượng ngựa và người lính hầu... Tiếp đến là vòng thành và 2 cổng vào lăng hình bán nguyệt được đúc dày, nên trông lăng bề thế, vững vàng. Sơn Lăng là nơi ông Thoại Ngọc Hầu chọn làm nơi yên nghỉ cho ông và vợ”.

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Theo tư liệu lịch sử về Thoại Ngọc Hầu, ông xây dựng lăng từ khi còn sống. Lăng có khuôn viên khá rộng, có tường thành bao bọc và cổng vào đúc khá dày có hình bán nguyệt tạo nên thế vững chãi và chắc chắn. Có 5 tấm bia đá gắn chặt vào tường thành. Trong số này, bia chính giữa được cho là bia Vĩnh Tế Sơn được xây dựng năm 1828 - sau 4 năm kênh Vĩnh Tế hoàn thành.

Ở nội lăng và 2 bên phải - trái vuông lăng còn có 2 khu đất rộng, cũng có vòng thành ngăn xung quanh, có hơn 50 ngôi mộ vô danh, đa số là những người đã hy sinh trong lúc đào kênh Vĩnh Tế được ông Thoại Ngọc Hầu quy tập. Mộ của ông Thoại Ngọc Hầu và 2 người vợ được xây bằng hồ vôi ô dước, đầu mộ là bình phong có đắp chữ Hán. Đền thờ ông Thoại được xây dựng với thế tựa lưng vào núi Sam. Bên trong đền được trang trí khá tỉ mỉ, có tượng bán thân của ông.

Nhìn tổng thể từ xa, bên triền núi Sam, cạnh bờ kênh Vĩnh Tế, khu lăng mộ uy nghi, với những tán cây đại thụ xanh um. Khuôn lăng đồ sộ nhưng vẫn có nét thanh nhã, cổ kính bởi lối kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc hài hòa thuần nét phương Đông. Lăng vừa là lăng mộ, vừa là đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu - vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ vùng đất An Giang.

Nơi bày tỏ lòng thành kính và biết ơn

Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại), là người làng Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Từ nhỏ, ông theo gia đình di cư vào Nam, định cư tại cù lao Dài (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Năm 16 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống binh nghiệp và lập rất nhiều chiến công, được công nhận “Khai quốc công thần”, là người có công khai phá vùng đất Nam Bộ, khai khẩn đất hoang hóa, cải tạo đồng hoang thành làng mạc, lập nên 10 làng, ấp và xây nhiều đình, chùa ở tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Nổi bật nhất là ông cho đào  kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà dài trên 100km từ An Giang ra biển Tây.

Đến nay, 2 con kênh này vẫn đóng vai trò quan trọng trong tuyến thủy lộ nội địa vận chuyển hàng hóa, giao thương mua bán, chấm dứt tình trạng đi đường vòng bằng đường biển, đặc biệt là bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Các đồng chí lãnh đạo viếng mộ bà Châu Thị Tế (vợ ông Thoại Ngọc Hầu)

Ông Thoại Ngọc Hầu mất ngày mùng 6/6/1829 (âm lịch) và được an táng tại lăng Thoại Ngọc Hầu (thuộc phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Tưởng nhớ công ơn của ông, Nhân dân An Giang lập đền thờ ông tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc), lập đình thần Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn).

Vào ngày mùng 6/6 (âm lịch) hàng năm, chính quyền và người dân địa phương tổ chức ngày giỗ của danh thần Thoại Ngọc Hầu với đầy đủ các nghi lễ truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với sự hình thành và phát triển vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc.

 “Tôi đã đến TP. Châu Đốc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến viếng lăng Thoại Ngọc Hầu. Tôi thấy lăng uy nghi, trang nghiêm. Đến đây, tôi có dịp tìm hiểu về quá trình khai hoang mở cõi của danh thần Thoại Ngọc Hầu và ông cha ta ngày trước” - chị Nguyễn Thiên Thanh (ngụ TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ.

“Đến thăm lăng Thoại Ngọc Hầu, không chỉ để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tiêu biểu dưới thời phong kiến nước ta, thưởng ngoạn không khí yên ả, thanh bình, mà còn là để thể hiện lòng thành kính đối với những bậc tiền nhân. Đối với người dân Châu Đốc nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung, luôn tự hào và biết ơn vị danh tướng Thoại Ngọc Hầu - người có công lớn trong việc khẩn hoang, lập ấp, đào kênh, đắp lộ, đem lại sự trù phú cho vùng đất An Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để tưởng nhớ công lao to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu đối với vùng đất An Giang, ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức các hoạt động tưởng niệm 195 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024). Theo đó, các hoạt động tưởng niệm diễn ra từ ngày 6 - 11/7 (nhằm ngày 1 - 6/6 âm lịch).

Trong đó, phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống hàng năm, gồm: Lễ cúng tiên thường (lúc 16 giờ, ngày 10/7, tại lăng Thoại Ngọc Hầu); lễ cúng chánh tế (4 giờ, ngày 11/7, tại lăng Thoại Ngọc Hầu); đặc biệt, Lễ tưởng niệm 195 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024) bắt đầu từ 9 đến 10 giờ 40 phút, thứ năm, ngày 11/7 (nhằm ngày 6/6 âm lịch). Đến nay, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho các hoạt động diễn ra.

 THU THẢO