Hệ sinh thái được bảo tồn khá phong phú với những loài thực vật và động vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Đứng trên đỉnh núi Đá Bia có thể hướng tầm nhìn về những địa danh nổi tiếng như: Vũng Rô, Đèo Cả, Bãi Bàng, Bãi Môn - Mũi Điện, Hải Đăng, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…
Từ xa xưa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi là Lingaparvata (có nghĩa là Linga - đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm), trong các sách cổ Trung Hoa phiên âm Hán tự là Lăng-già-bát-bạt-đa.Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết. Đặc biệt là sự kiện năm 1471, tương truyền vua Lê Thánh Tông trong hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam, khi đến núi này vua đã cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi. Từ đó núi có tên là Núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng dãy núi Đại Lãnh (có cả núi Đá Bia) vào Tuyên Đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế. Khoảng giữa thế kỷ XIX, quan đại thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản khi đi qua khu vực Đèo Cả – núi Đá Bia đã có bài thơ chữ Hán được dịch ra như sau:
Mảnh đá đầu non dựng
Tầng cao ngất một phương
Chia bờ nêu cột Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử rọi gương
Chạm bia người đã vắng
Lữ khách chạnh lòng thương.
Cuộc thi chinh phục đỉnh núi Đá Bia được tổ chức vào ngày 26 và 27/3 hàng năm. Tại đây du khách có thể leo lên đỉnh núi Đá Bia qua đoạn đường dài khoảng 2011m, vượt qua một số đoạn đường bằng và 2071 bậc cấp. Trên đường đi bình quân khoảng hơn 300m có điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh và khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ven biển…
Hiện nay khu du lịch sinh thái Đá Bia đang hình thành, là một điểm đến của du khách trong cuộc hành trình khám phá, chinh phục đỉnh núi Đá Bia.
Núi Đá Bia được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008.
Theo PetroTimes