Điểm sáng liên kết sản xuất

05/12/2019 - 00:14

Mặc dù còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng diện tích sản xuất nhưng các mô hình liên kết với doanh nghiệp (DN) vẫn chứng minh được hiệu quả thực tế. Đây là cơ sở để khuyến khích mở rộng hợp tác, đưa nông nghiệp An Giang phát triển bền vững hơn.

Vùng liên kết sản xuất cá tra

Xuất phát từ cây lúa…

An Giang được xem là xuất phát điểm của mô hình “Cánh đồng lớn” khi Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) tiên phong hợp tác với nông dân triển khai mô hình này ở vùng nguyên liệu Vĩnh Bình (Châu Thành). Giờ đây, Tập đoàn Lộc Trời là 1 trong những DN đi đầu trong tham gia xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên địa bàn An Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hàng năm, diện tích thực hiện mô hình liên kết sản xuất của công ty tại An Giang đạt khoảng 10.000ha. Đến nay, công ty đã giúp hình thành 4 HTX kiểu mới bằng cách cử cán bộ tham gia điều hành HTX. Các HTX có nhiệm vụ hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, triển khai các dịch vụ nông nghiệp và liên kết tiêu thụ nông sản. Khi đưa lúa về nhà máy, công ty đảm bảo giá thu mua từ bằng đến cao hơn giá thị trường. Riêng một số giống lúa như LT18, công ty cam kết thu mua với giá cố định là 6.500 đồng/kg lúa tươi, cao hơn nhiều so với giá của thương lái.

Tại An Giang, Công ty TNHH Angimex - Kitoku được xem là DN có mô hình liên kết làm ăn bền vững, lâu đời với nông dân. Hiện nay, diện tích liên kết đạt khoảng 5.000ha/năm. Công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và thu mua cuối vụ nhưng điểm đặc biệt là giá thu mua được thống nhất ngay từ đầu vụ, giúp nông dân có nhiều thông tin để quyết định tham gia mô hình. Vụ đông xuân 2018-2019, công ty thu mua lúa cho nông dân với giá cố định từ 7.400-8.100 đồng/kg (tùy loại giống), giúp nông dân đạt lợi nhuận cao hơn so với canh tác bình thường. Công ty đang xúc tiến thành lập HTX kiểu mới nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững hơn.

Bên cạnh cây lúa, An Giang chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ rau màu. Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đã thực hiện liên kết với hàng ngàn nông dân, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cho 25 mặt hàng đông lạnh xuất khẩu, tiêu thụ trong nước. Hiện nay, công ty đã triển khai ký kết hợp đồng với gần 4.000 nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu trồng gần 2.500ha bắp, đậu nành rau ở các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn… Theo Sở NN&PTNT, đến nay, An Giang đã chứng nhận 13 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 2.697ha tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, An Phú và TP. Long Xuyên. Đây là cơ sở để mở rộng liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị rau màu.

…đến trái cây, thủy sản

Trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, An Giang đã mạnh dạn hỗ trợ và khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hiện đạt diện tích trồng xoài lớn nhất cả nước. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, thuộc huyện Chợ Mới). Đến nay, đã triển khai được 730 hộ tham gia. Viện Cây ăn quả Miền Nam đã tổ chức tập huấn cho nông dân về sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh sẽ hỗ trợ hình thành HTX cây ăn trái trên nền tảng các hộ tham gia. Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Xoài VietGAP của nông dân. Năm 2018, sản phẩm đã xuất khẩu được vào thị trường Úc (5,4 tấn), Hàn Quốc (59 tấn). Hiện nay, đang xúc tiến mạnh vào thị trường Hoa Kỳ.

Đối với sản phẩm chủ lực khác là cá tra, An Giang có hơn 1.400ha mặt nước nuôi cá/năm, sản lượng khoảng 370.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 DN với 23 nhà máy chế biến cá tra, đạt tổng công suất thiết kế 320.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó nhiều DN đã quan tâm đầu tư và liên kết với hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Điển hình như: Tập đoàn Sao Mai (liên kết 20 hộ nuôi của An Giang với diện tích gần 40ha); Công ty Vĩnh Hoàn (liên kết 8 hộ nuôi, diện tích 53ha); Công ty Cổ phần Nam Việt (11 vùng nuôi cá tra, tổng diện tích 32ha); Công ty Agifish (liên kết 9 hộ nuôi, diện tích 16ha)... Bên cạnh đó, còn có một số công ty như: Afiex, CP, Biển Đông, VinCa, Hiệp Thanh, Hoàn Long, Hải Sáng, Đông Á, Việt Thắng… thực hiện liên kết các hộ nuôi với tổng diện tích 206ha. Đa phần các hộ nuôi cá tra có liên kết đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài cá tra nguyên liệu, An Giang đã xây dựng chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp. Trong đó, Chi hội Sản xuất giống AFA thu hút 31 hội viên tham gia, tổng diện tích ương nuôi giống đạt 200ha; Chi hội Sản xuất cá giống huyện Châu Phú có 16 hội viên, tổng diện tích tham gia 31,8ha. Các chi hội này đã sản xuất và cung cấp hơn 300 triệu con giống đến các vùng nuôi của Sao Mai, Nam Việt, Cửu Long, Lộc Kim Chi… Cùng với các DN trong tỉnh, những tập đoàn, DN lớn chọn An Giang làm điểm đầu tư sản xuất cá tra giống chất lượng cao, tiến tới xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cá tra, nâng cao giá trị loài thủy sản đặc hữu này…

NGÔ CHUẨN