Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 29-4: Thế giới trên 217.000 người tử vong, số ca bệnh tại Mỹ vượt quá 1 triệu

29/04/2020 - 07:48

Trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận 73.154 trường hợp nhiễm COVID-19 và 5.940 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 toàn cầu tăng lên 3.133.100 người. Đại dịch nhìn chung tiếp tục xu thế giảm ở nhiều nước, ngoại trừ Mỹ, nơi vẫn ghi nhận khoảng 2.000 người tử vong mỗi ngày.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29-4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.133.100, trong đó có 217.389 người tử vong.

Đại dịch đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 950.863 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 56.542 người trong tình trạng nguy kịch và 1.960.098 đang phải điều trị tích cực.

Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong và mắc bệnh nhất thế giới. Trong khi khi tình hình dịch tại các nước khác như Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh hay Đức đã qua đỉnh dịch và đang có xu hướng giảm đều, thì Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca dương tính và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở mức rất cao.

 Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Washington D.C, Mỹ, ngày 27-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, Mỹ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 22.660 ca mắc bệnh và 2.108 người tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt 1.033.016 và 58.905 trường hợp. Như vậy, tới nay, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có số người mắc COVID-19 vượt quá 1 triệu ca, bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Tây Ban Nha (232.128 ca bệnh).

New York vẫn là tâm dịch. Tuy nhiên, ngày 28-4 số người nhập viện trong một ngày tại bang New York đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, cho thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm tại tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Mỹ.

Số người nhập viện vì nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 3 ngày liên tiếp vừa qua tại New York đã xuống thấp dưới 1.000 người, mức thấp nhất kể từ ngày 24-3. Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo ngày 28-4 cho biết sẽ cho phép mở lại hoạt động ở những khu vực mà tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với thành phố New York. Ông cũng cho rằng những vùng muốn được mở cửa hoạt động trở lại phụ thuộc vào một số chỉ số như: số giường bệnh sử dụng cho dịch bệnh chiếm dưới 70% và tỷ lệ lây nhiễm dưới mức 1,1 - tức là trung bình cứ 1 người nhiễm thì lây cho 1,1 người khác.

Theo dự báo của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Y Washington - thường được các quan chức Nhà Trắng và các cơ quan chăm sóc sức khỏe cộng đồng viện dẫn, số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể lên tới hơn 74.000 người vào tháng 8 tới. 

Người đứng đầu IHME Christopher Murray cảnh báo số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Mỹ sẽ tăng nếu các bang mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm. Hiện một số bang của Mỹ đã nới lỏng các hạn chế kinh doanh.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết cơ quan này đã mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giải thiểu các thiệt hại kinh tế.

 Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Saxony, Đức ngày 20-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Âu tới sáng 29-4 đã có tổng cộng 1.322.166 ca mắc COVID-19, trong đó 126.320 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, "cựu lục địa" được đánh giá đã quả đỉnh dịch, khi số ca bệnh mới phát sinh và ca tử vong tại hầu hết các nước ở châu lục này đang giảm những ngày gần đây.

Sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất về “Lộ trình Dỡ bỏ lệnh phong tỏa” tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tuần trước, một số nước thành viên đã nới lỏng và công bố kế hoạch hủy bỏ các biện pháp hạn chế.

Tại Thụy Sĩ, sau 6 tuần đóng cửa, từ ngày 27-4, các cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống cửa hàng DIY đã mở cửa đón khách. Tiếp đó, các trường học và cửa hàng (không bao gồm nhà hàng) sẽ được phép mở cửa từ ngày 11-5, trong khi trường cấp 2 và các trung tâm giải trí sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8-6.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cùng ngày thông báo nước này ghi nhận 301 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19, giảm 30 ca so với một ngày trước đó. Tính đến nay, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 23.822, trong khi số người mắc bệnh là 232.128.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 28-4 đã thông báo một kế hoạch gồm 4 giai đoạn nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc, được áp đặt để kiểm soát một trong những nơi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới, với mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trước cuối tháng 6. 

Thủ tướng Sanchez cho biết, việc dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt sẽ bắt đầu vào ngày 4-5 và khác nhau giữa các vùng, phụ thuộc vào các nhân tố như tỷ lệ mắc bệnh, số giường trong khu điều trị đặc biệt tại mỗi địa phương cũng như cách mỗi vùng tuân thủ các quy tắc giãn cách.

 Chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại Epinay sur Seine, gần Paris, Pháp ngày 22-4-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Pháp, tính đến rạng sáng 29-4, số ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 là 23.660 người (tăng 367 ca trong 24 giờ), trong đó có 14.810 người ở bệnh viện (tăng 313 ca) và 8.850 người ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 54 ca).

Hiện có 27.484 người đang nằm viện (giảm 571 trường hợp so với hôm trước), trong đó 4.387 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 221 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 20 ngày qua.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã trình bày trước Quốc hội kế hoạch của Chính phủ về việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 11-5. Kế hoạch này được 75 đại diện cho tổng số 577 nghị sĩ tranh luận trước khi đưa ra quyết định thông qua bỏ phiếu. 

Theo ông Edouard Philippe, sau giai đoạn nới lỏng đầu tiên vào ngày 11-5, giai đoạn hai sẽ bắt đầu từ ngày 2-6 và kéo dài trong 3 tuần, với các biện pháp phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học sẽ từng bước mở cửa từ 11-5, một số trường trung học cơ sở từ 18-5. Học sinh trung học phổ thông sẽ không đến trường trước tháng 6. 

 Tiếp nhận người dân xét nghiệm ở Praha. Ảnh: Hồng Kỳ/PV TTXVN tại CH Séc

Ngày 28-4, Hạ viện Séc đã thông qua quyết định cho phép chính phủ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 17-5 để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tính đến hết ngày 28-4, Séc đã ghi nhận 7.486 ca mắc COVID-19, trong đó 225 trường hợp tử vong và 2.942 người được điều trị bình phục.

Đây là lần thứ 2 Hạ viện Séc thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp. Trước đó, tình trạng khẩp cấp có hiệu trong vòng 30 ngày do Chính phủ Séc ban bố và có hiệu lực từ ngày 12-3, đã được gia hạn lần thứ nhất đến ngày 30-4.

Ban đầu Chính phủ Séc đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 25-5, nhưng các đảng đối phản đối. Cuối cùng, đề xuất của Đảng Cộng sản Séc-Morava (KSCM) kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 17-5 đã được Hạ viện Séc thông qua.

 Cảnh vắng vẻ tại Quảng trường Lớn do dịch COVID-19 ở Brussels, Bỉ ngày 13-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Bỉ, chính phủ nước này thông báo từ ngày 11-5, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18-5, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại.

Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 28-4 thông báo, Italy ghi nhận 2.091 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 201.505 trường hợp. Cùng ngày, số ca tử vong tăng lên 27.359 trường hợp (tăng 382 ca) và số ca hồi phục là 68.941 người (tăng 2.317 người). Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italy hiện có 19.723 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.863 ca, giảm 93 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phát biểu với báo giới trong chuyến thăm vùng Lombardy, tâm dịch phía Bắc, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm trở lại hay bùng phát các ổ dịch là rất rõ ràng, do đó, Italy sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng nhưng thận trọng. Theo kế hoạch, nước này sẽ triển khai khai giai đoạn 2 từ ngày 4-5, Thủ tướng Conte cho rằng hơn 4,5 triệu người dân sẽ quay trở lại làm việc và sẽ tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm, đó là lý do các trường học vẫn phải đóng cửa.

 Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Saxony, Đức ngày 20/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đức, Berlin đã trở thành bang cuối cùng của nước này yêu cầu người đi mua sắm bắt buộc phải đeo khẩu trang kể từ ngày 29-4. Hiện trên cả nước có 159.735 trường hợp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 6.280 ca tử vong. 

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Đức đã tiến hành hơn 2 triệu xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tất cả những người mà bác sĩ yêu cầu xét nghiệm đều được kiểm tra bằng chi phí của các công ty bảo hiểm y tế.

Các bác sĩ đã thực hiện những xét nghiệm này theo khuyến nghị của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) và với chiến lược thử nghiệm của mình, RKI đã có những ảnh hưởng đáng kể.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thông báo nước này đã ghi nhận 6.411 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua.

Đây là ngày có số ca mắc COVID cao kỷ lục. Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại Nga là 93.558, trong đó có 867 người đã tử vong. Nga hiện đứng thứ 8 thế giới về số người mắc COVID-19. 

Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức chính phủ cấp cao và lãnh đạo các vùng được phát sóng truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-4 đã tuyên bố kéo dài giai đoạn nghỉ việc tại Nga tới ngày 11-5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. 

Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ tổ chức cuộc duyệt binh các lực lượng không quân vào ngày kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít 9-5, bất chấp những biện pháp hạn chế do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa trong 3 ngày tại 31 tỉnh kể từ ngày 1-5 trong nỗ ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tới sáng 29-4, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tổng cộng 114.653 ca mắc COVID-19 và 2.992 ca tử vong.

Ngày 28-4, chi nhánh châu Mỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về "mức gia tăng đáng lo ngại" về số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh, vừa vượt ngưỡng 1 triệu người sau khi ghi nhận hơn 250.000 ca nhiễm mới trong tuần qua.

Bác sĩ Jarbas Barbosa, Phó Giám đốc cơ quan châu Mỹ của WHO, nhận định diễn biến COVID-19 tại Mỹ Latinh hiện tương tự như ở châu Âu cách đây 6 tuần, với mức gia tăng nhanh chóng số ca mắc và xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong vài tuần tới.

WHO đề nghị chính phủ các nước trong khu vực không "mất cảnh giác" và tăng cường các nỗ lực cải thiện hệ thống y tế, trong bối cảnh một số lãnh đạo trong khu vực đã công khai ý định giảm nhẹ hoặc ngừng biện pháp cách ly do quan ngại tình trạng tê liệt về kinh tế. Trước vấn đề này, WHO từng ra thông cáo cảnh báo thiệt hại về kinh tế có thể sẽ lớn hơn nếu các nước dỡ bỏ sớm các biện pháp phòng ngừa để khôi phục hoạt động kinh tế.

 Đại diện đoàn chuyên gia y tế Cuba chụp ảnh lưu niệm cùng các sỹ quan quân đội Nam Phi tại sân bay O.R Tambo, thành phố Johannesburg. Ảnh: Trương Phi Hùng-TTXVN

Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng tình trạng đói nghèo tại các nước Mỹ Latinh và Caribe. 

Theo thông báo chính thức của cơ quan y tế Cuba, đảo quốc này trong vòng 1 tháng qua đã gửi gần 1.500 nhân viên y tế tới nhiều nước trên thế giới để tham gia các chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19.

Số lượng y bác sĩ này được gửi theo đề nghị của 22 chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Caribê, Mỹ Latinh, châu Phi, châu Âu và Trung Đông. Phái đoàn mới nhất gồm hơn 200 nhân viên y tế mới tới làm nhiệm vụ tại Nam Phi từ ngày 26-4.

Chính phủ Brazil ngày 28-4 đã thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh bằng đường không đối với người nước ngoài như một biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ "phi mã" ở quốc gia Nam Mỹ. Theo báo giới Brazil, lệnh cấm nhập cảnh sẽ chỉ áp dụng với người nước ngoài và loại trừ công dân Brazil. 

Brazil hiện là quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Theo thông báo chính thức của Bộ Y tế nước này, trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận số ca tử vong kỷ lục với 474 người, nâng tổng số người thiệt mạng do dịch lên 5.017 người và tổng số ca dương tính với SARS-Cov-2 là 71.886 trường hợp.

Bộ Ngoại giao Mexico ngày 28-4 thông báo đã có 615 công dân nước này tử vong do COVID-19 ở nước ngoài, trong đó phần lớn là tại Mỹ.

Ngoại trưởng nước này Marcelo Ebrard cho biết trong tổng số các ca tử vong trên, 566 trường hợp tại Mỹ và số còn lại tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Đến nay Mexico đã hồi hương 10.547 công dân sinh sống, học tập và làm việc tại các nước trên thế giới.

Tính tới thời điểm hết ngày 28-4, Mexico đã ghi nhận số ca mắc trong nước là 15.529 người, trong đó có 1.434 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Trung Đông, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28-4 đã cảnh báo rằng dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát và tác động tới các vùng xung đột ở Trung Đông. 

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Cairo (Ai Cập), Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari cho rằng “cuộc chiến này đã trở nên thách thức hơn với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở nhiều nước như Syria, Libya và Yemen”.

Ngoài ra, ông al-Mandhari cũng cảnh báo về tình trạng nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại một số quốc gia ở khu vực Trung Đông. Ông al-Mandhari cho rằng việc sớm dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bật tăng trở lại một cách không thể kiểm soát nổi và xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai của các ca mắc COVID-19.

Trước đó, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trong khu vực từng cảnh báo rằng sẽ xảy ra những thảm họa nhân đạo vô cùng nghiêm trọng nếu xung đột và dịch bệnh xảy ra cùng lúc ở Syria, Yemen hay Libya. Hiện cả 3 quốc gia này, với hạ tầng y tế vừa yếu vừa thiếu, đều đã phát hiện các trường hợp mắc COVID-19.

 Những người bán hàng rong trên đường phố ở thủ đô Bangkok chủ yếu là lao động nước ngoài. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan

Theo trang thống kê worldometers.info, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.249 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 41.928, trong đó 1.477 ca tử vong.

Tại điểm nóng Singapore, số ca mắc COVID-19 đã có xu hướng giảm những ngày gần đây. Tổng số ca mắc ở Singapore tới nay là 14.951, vẫn cao nhất Đông Nam Á. Một số nước như Việt Nam, Campuchia, Lào, Brunei không ghi nhận ca mắc mới. Các ca mắc COVID-19 ở bốn nước này đều ở mức thấp, dưới 300 ca.

Trong 24 giờ qua, toàn khối chỉ có 32 ca tử vong. Các nước tới nay chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19 là Việt Nam, Lào, Campuchia và Timor-Leste. Nước Đông Nam Á có nhiều ca tử vong nhất tới nay là Indonesia với 773 ca.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)