Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, trả lời:
Lá chè xanh (trà xanh) chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm flavonoid, saponin triterpen, caffeine, tanine, quercetin, tinh dầu, acid ascorbic (vitamin C), riboflavin (vitamin B), carotene, acid malic, theophylline, xanthin, acid oxalic, kaempferol,…
Nhờ các chất này, lá trà xanh có nhiều tác dụng như cầm tiêu chảy, giảm nguy cơ ung thư, bảo vệ sức khỏe tim mạch, chống lão hóa, duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh, tăng cường trí nhớ, bảo vệ gan, kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm…
Theo Đông y, lá trà xanh có vị đắng, chát, tính mát, quy vào kinh Can và Tâm. Công dụng: Lợi tiểu, định thần, thanh nhiệt, giải khát, tiêu cơm, làm mát cơ thể.
Tuy vậy, bạn cần lưu ý về thời điểm khi dùng trà xanh:
Thứ nhất, trà xanh tính hàn nên không dùng lạnh vì sẽ gây quá hàn sinh đờm, nên uống nóng.
Thứ hai, trà xanh chứa hàm lượng caffeine lớn, có thể gây chóng mặt, cồn cào, hoa mắt nếu dùng lúc bụng đói. Caffeine trong lá trà xanh có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương nhằm tăng mức độ tập trung và hoạt động của não bộ. Do đó, nếu uống trà xanh vào buổi tối có thể gây khó ngủ và mất ngủ.
Thứ ba, tránh uống trà xanh ngay sau khi ăn vì chất tannin có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt và chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Hoạt chất tannin trong trà xanh có tác dụng cầm tiêu chảy, vì vậy người bị táo bón nên hạn chế sử dụng.
Thứ tư, không dùng lá chè cho người đang uống thuốc làm tan máu đông vì có vitamin K.
Thứ năm, nên dùng trà xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc, học tập.