Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới, khoảng 1,3 tỷ người trên toàn cầu bị huyết áp cao, khiến 10 triệu người tử vong mỗi năm.
Năm 2021, tăng huyết áp là nguyên nhân chính hoặc góp phần gây ra gần 700.000 ca tử vong ở Mỹ. Khoảng một nửa số người trưởng thành bị tăng huyết áp (gần 120 triệu người). Huyết áp cao là yếu tố tiềm năng dẫn tới các cơn đau tim và đột quỵ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One cho thấy nước ép trái cây có thể làm giảm huyết áp.
Nước ép trái cây cung cấp lượng đường tự nhiên tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: NDTV
Bạn có thể chọn các loại quả khác nhau nhưng cần đảm bảo đó là nước ép nguyên chất 100%. Dựa trên 93 phân tích trước đây, nghiên cứu mới đánh giá hàng chục loại thực phẩm chứa đường khác nhau để giúp hiểu rõ việc lựa chọn chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tăng huyết áp.
Nhóm tác giả từ Đại học Toronto (Canada) ghi nhận một lượng nước ép trái cây khiêm tốn có thể dẫn đến sự giảm thiểu huyết áp nhỏ nhưng quan trọng. Nước trái cây chỉ chứa đường tự nhiên có thể làm giảm huyết áp tâm thu 3,7 mmHg.
Các nhà khoa học giải thích, hàm lượng vitamin và flavonoid trong nước trái cây có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch và có thể giảm viêm. Bạn thu được lợi ích lớn nhất đối với huyết áp nếu uống từ 50 đến 150ml nước trái cây mỗi ngày.
Nhưng theo Mirror, ăn cả trái cây vẫn còn chứa chất xơ thậm chí còn mang lại lợi ích lớn hơn. Nhìn chung, nghiên cứu này ủng hộ bằng chứng trước đây cho thấy uống một ly nước ép quả nguyên chất hằng ngày có thể giảm chỉ số huyết áp.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, hướng dẫn y tế công cộng nhằm giúp mọi người ngăn ngừa và kiểm soát bệnh cao huyết áp nên phân biệt giữa đường tự nhiên và đường bổ sung.
Tác giả chính, Giáo sư John Sievenpiper cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra lợi ích đối với huyết áp khi uống vừa phải nước ép trái cây chỉ chứa đường tự nhiên”.
Tổ chức Huyết áp Vương quốc Anh thông tin, hạn chế uống rượu và giảm cân với người béo phì cũng tốt cho huyết áp. Ngoài ra, bạn hãy cố gắng không tiêu thụ nhiều caffeine và bỏ thuốc lá. Hoạt động thể chất cũng là cách tuyệt vời để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tuần hoàn, đồng thời làm giảm huyết áp và cholesterol.
Người trên 40 tuổi nên thường xuyên đo huyết áp. Ảnh minh họa: Shutterstock
Cao huyết áp thường không có triệu chứng
Trung tâm y tế Mayo Clinic, có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo: “Hầu hết những người bị huyết áp cao không có dấu hiệu, ngay cả khi chỉ số huyết áp lên tới mức nguy hiểm”. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết cách duy nhất để biết huyết áp của bạn có cao hay không là đi kiểm tra. Bất cứ ai trên 40 tuổi đều nên đi khám định kỳ.
Phòng khám Cleveland giải thích chỉ số huyết áp được tạo thành từ hai con số. Huyết áp tâm thu đo áp lực máu lên lòng mạch khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương đo áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.
Một người bị huyết áp cao nếu chỉ số từ 140/90mmHg trở lên (hoặc 150/90mmHg với người trên 80 tuổi). Huyết áp lý tưởng thường nằm trong khoảng từ 90/60mmHg đến 120/80mmHg.
Một số triệu chứng cảnh báo cao huyết áp gồm hụt hơi, nhức đầu, nhìn mờ, chảy máu cam, đau ngực, chóng mặt.
Theo Vietnamnet