Đoàn kết ứng phó đại dịch COVID-19

24/08/2020 - 10:25

 - Ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch COVID-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cả nước đã chủ động triển khai các giải pháp mạnh ngay từ sớm với nguyên tắc, phương châm chống dịch kiên quyết và có chiến thuật linh hoạt, phù hợp, lường trước các tình huống mới. Trong đó, phát huy vai trò công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định và thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch của ngành y tế để ngăn chặn đại dịch.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân thăm và động viên lực lượng chống dịch trên tuyến biên giới An Phú

Chủ động ngay từ đầu

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán (Trung Quốc), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Công văn số 977-CV/TU ngày 31-1-2020 về việc cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19. UBND tỉnh ban hành Công văn số 88/UBND-KGVX ngày ngày 26-1-2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19; công văn số 90/UBND-KGVX ngày 31-1-2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch, ngày 31-1-2020, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tỉnh, sau đó các hoạt động phòng chống dịch nhanh chóng được triển khai với tinh thần hết sức khẩn trương.

Ngày 5-2-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang kèm theo Quyết định số 210/QĐ-UBND. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 22-4-2020). Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức họp để đánh giá tình hình dịch và đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn, không để xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra thân nhiệt người dân qua lại biên giới

Tập trung tuyên truyền

Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ trước Tết Nguyên đán, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo lắng theo các tin đồn thổi. Khuyến cáo người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền về dịch bệnh COVID-19 bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã, treo băng-rôn, áp-phích, xe cổ động… Cán bộ cơ sở còn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chống dịch; “rà từng đối tượng” người dân từ nơi khác đến hoặc về từ vùng dịch để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Theo đó, Báo An Giang thực hiện trung bình 176 tin, bài/tuần tuyên truyền trên báo in và báo điện tử phản ánh về tình hình, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước; thông tin về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, UBND tỉnh và các ngành, địa phương; các khuyến cáo của ngành y tế đối với công tác phòng, chống dịch; việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để ghim hàng, tăng giá khẩu trang y tế; việc xử lý các cá nhân đưa thông tin không đúng sự thật về tình hình dịch gây lo lắng trong nhân dân…

Đài Phát thanh -Truyền hình An Giang đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thực hiện tuyên truyền trên cả hai sóng phát thanh và truyền hình. Trên sóng phát thanh: đã thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong 8 chương trình phát sóng hàng ngày; dàn dựng và phát sóng câu chuyện truyền thanh nêu bật nội dung phòng, chống tác hại của dịch bệnh để người dân có thể phòng ngừa đạt hiệu quả cao. Kết quả thực hiện trung bình 300 tin/tuần, 7 bài/tuần, 1 câu chuyện truyền thanh/tuần.

Trên sóng truyền hình, mở tiết mục và cập nhật thường xuyên, liên tục về dịch bệnh hàng ngày trong các chương trình: Trên từng cây số (6 giờ), Thời sự (11 giờ 30 phút và 18 giờ 30 phút); Bản tin cuối ngày (22 giờ 30 phút). Thực hiện “Tọa đàm”, các Video clip thông tin về tình hình, diễn biến dịch bệnh và hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh; phát sóng thường xuyên, liên tục hướng dẫn của Bộ Y tế về cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kết quả thực hiện trung bình 160 tin/tuần, 9 phóng sự/tuần, 32 thông điệp/tuần.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tập huấn về công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho thủ trưởng và phóng viên phụ trách công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, ngành y tế đã thiết kế và in các tài liệu truyền thông (hơn 152.000 tờ bướm, 2.050 áp-phích, 200 băng-rôn) phân phối cho các cửa khẩu, các cơ quan, ban, ngành, cơ sở y tế để kịp thời cung cấp thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, đường dây nóng Sở Y tế hoạt động 24/24 để tiếp nhận thông tin của người dân về tình hình dịch bệnh COVID-19 và tư vấn, tuyên truyền cách phòng tránh dịch.

Triển khai ứng dụng khai báo NCOVI nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin dịch bệnh để phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời qua hệ thống này, người dân được cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, được hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm và được hỗ trợ y tế khi gặp sự cố bất thường về sức khỏe. Phục vụ cơ quan quản lý, phát hiện và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả.

Từ ngày 20-1-2020, Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang đã mở Chuyên mục “Phòng, chống dịch COVID-19” tập trung cập nhật các nội dung truyền thông những diễn biến xung quanh việc phòng, chống dịch bệnh; các thông tin chỉ đạo các cấp, các ngành; các khuyến cáo của ngành y tế; các bài truyền thông giáo dục sức khỏe; thông tin của các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp nhận và tư vấn tình hình dịch bệnh… Đến nay đã thực hiện: 480 tin, bài; 1.060 hình ảnh sự kiện; 3 banner truyền thông, thông tin đường dây nóng Y tế; 20 tin, ảnh minh họa (infographic) thông tin các điểm thu dung người bệnh và truyên thông giáo dục sức khỏe; 19 Video clip truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19; 28 Video clip dạy học qua truyền hình của ATV. Tần suất cập nhật tăng dần với trung bình 8 tin, bài mỗi ngày.

Lãnh đạo tỉnh An Giang kiểm tra công tác đảm bảo quy trình tiếp nhận bệnh nhân và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

Tăng cường kiểm soát

Lãnh đạo tỉnh An Giang và các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra tiến hành giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, các cửa khẩu và cơ sở y tế. Ngoài ra, các sở, ngành cũng tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch các đơn vị trực thuộc; kiểm tra các cơ sở cách ly tập trung và giải quyết các vướng mắc cho địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang đã tổ chức gần 20 đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhằm ngăn chặn việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Qua đó, đã kiểm tra 582 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 20 cơ sở.

Công an tỉnh đã phát hiện, bắt 9 vụ vận chuyển với số lượng 405.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ. UBND các cấp lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 41 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng số tiền 9,2 triệu đồng; xử phạt 1 trường hợp về hành vi “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” với số tiền 7,5 triệu đồng.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tạm dừng tổ chức các lễ hội văn hóa, hoạt động thể thao, các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và ổn định lại việc sản xuất – kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”.

Các lực lượng chức năng đã tổ chức các chốt chặn kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ và đường thủy, đường mòn, lối mở và bến đò ngang; tất cả người nhập cảnh từ Campuchia đều được đưa vào cách ly tập trung 14 ngày. Duy trì tổ chức mỗi ngày 136 tổ chốt chặn, kiểm soát, trong đó lực lượng Biên phòng độc lập tổ chức 14 tổ; kết hợp các lực lượng khác (Công an và dân quân) tổ chức 122 tổ để ngăn chặn người qua lại biên giới và phòng, chống dịch COVID-19.

Tình trạng vi phạm quy chế xuất nhập cảnh, nhất là tại các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới vẫn còn tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Qua rà soát, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 18 vụ liên quan 85 trường hợp (Trung Quốc 22, Việt Nam 63) xuất, nhập cảnh trái phép.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan từ bên ngoài vào địa bàn, tỉnh An Giang đã tổ chức 3 điểm tiếp nhận ban đầu để tiếp nhận người từ Campuchia về, gồm: Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu), Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên), Trạm kiểm soát cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú).

Toàn tỉnh đã thành lập 60 cơ sở cách ly tập trung tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (46 chính thức, gồm 4 cơ sở của quân đội; 14 dự phòng), để chủ động tiếp nhận người từ nước ngoài vào cách ly 14 ngày. Lũy tích đến ngày 24-8, toàn tỉnh đã tiếp nhận cách ly tập trung hơn 5.200 người, cách ly tại nhà hơn 2.300 người, tổng số xét nghiệm cộng dồn hơn 7.200 mẫu, tất cả đều âm tính với COVID-19.

Là huyện “tuyến đầu” biên giới, An Phú đã thành lập các tổ phục vụ hậu cần tại các điểm cách ly trên địa bàn, nhằm đảm bảo chăm lo đời sống, ăn uống của người dân trong 14 ngày cách ly. Ở giai đoạn đầu, người ở cách ly được hỗ trợ suất ăn trị giá 57.000 đồng/ngày, ngoài ra bộ đội sẽ cung cấp nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, xà bông… gồm hơn 10 mặt hàng miễn phí để bà con được sinh hoạt với điều kiện tốt nhất có thể.

Tại điểm cách ly Đại đội Bộ binh 5 (xã Phước Hưng), hàng ngày, bộ phận phụ trách nấu ăn và tình nguyện viên với gần 10 người phải dậy từ rất sớm để đi chợ, lựa chọn thực phẩm để lo 3 bữa ăn cho bà con. Mỗi khẩu phần ăn luôn có đủ thịt, cá, rau củ… để đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Phối hợp chặt chẽ đảm bảo tốt khâu y tế, hậu cần, nhất là đối với đồng bào Chăm, do có chế độ ăn uống và sinh hoạt tôn giáo theo quy định nên việc đảm bảo cũng khó khăn hơn. Huyện đã bố trí bác sĩ là người Chăm để chăm sóc y tế; phối hợp với người có uy tín trong đồng bào để tuyên truyền, định hướng tư tưởng, hướng dẫn bà con thực hiện các nghi thức tôn giáo hàng ngày tại nơi cách ly… nên tình hình rất ổn định, bà con thực hiện tốt việc cách ly. Bà con thường xuyên rửa tay, vệ sinh khu vực phòng ở, đeo khẩu trang thường xuyên, không tập trung đông người… nhằm tránh trường hợp bị lây nhiễm chéo.

Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương, cho biết: Trong công tác điều trị, toàn tỉnh đã triển khai khu cách ly điều trị tại 16 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19. Thành lập 4 đội cơ động phản ứng nhanh, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện thành lập 2 đội cơ động phản ứng nhanh kịp thời xử lý các tình huống. Ngoài ra, các bệnh viện tư nhân thành lập đội cơ động phản ứng nhanh.

Sở Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang xây dựng phương án thiết lập Bệnh viện dã chiến điều trị COVD-19, trên cơ sở lấy trụ sở của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, về nhân sự lấy từ Trung tâm Y tế huyện Châu Thành là chủ yếu, có bổ sung thêm nhân sự của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Ban Quân y – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân khi các bệnh viện quá tải.

Để đáp ứng kịp thời công tác xét nghiệm COVID-19 và điều trị bệnh nhân, giảm tải cho Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh đã thống nhất chi ngân sách đầu tư hệ thống xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 và hệ thống ECMO tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.

Tập huấn và triển khai thực hiện phác đồ điều trị cho các nhân viên y tế theo đúng hướng chẩn đoán, điều trị COVID-19 của Bộ Y tế. Tập huấn phòng chống lây nhiễm trong điều trị, duy trì và thực hiện nghiêm ngặt quy chế chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng, chống phát tán lây nhiễm.

UBND tỉnh An Giang đã quyết định trích ngân sách kịp thời cấp kinh phí cho các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống dịch. Công tác mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị phòng hộ cá nhân được trang bị kịp thời cho các cơ sở y tế và các cơ sở cách ly tập trung; kinh phí được đảm bảo với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng.

Tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện (kể cả trường hợp nghi ngờ và cách ly tập trung) là 7.366 mẫu. Tất cả các mẫu (bao gồm 119 mẫu xét nghiệm (lần 1) người về từ Hàn Quốc) đều cho kết quả âm tính.  

Công nhận hoàn thành cách ly 14 ngày cho công dân

Đồng lòng chống dịch

Sau 99 ngày không có cas nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đến ngày 25-7, TP. Đà Nẵng có cas nhiễm mới, sau đó xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nam, Đồng Nai... Nếu so với 2 lần nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng ở Việt Nam trước đây thì lần này ở Đà Nẵng có tính chất nguy hiểm hơn và có nhiều khác biệt. Bệnh xuất hiện đột ngột trong thời điểm cả nước đã bớt cảnh giác với dịch bệnh, lây lan nhanh hơn và có nguy cơ phát tán rộng khi có vài chục ngàn người từ Đà Nẵng đi về các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Tại An Giang, tuy chưa phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng tỉnh rất thận trọng, lưu ý nguồn lây nhiễm có thể xảy ra, nhất là từ nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới. Mặt khác, lo lắng nguồn bệnh còn có thể từ chính những người dân An Giang đi từ vùng dịch trở về...

Tỉnh đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới. Trong nội địa, cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp ngành y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chống dịch; “rà từng đối tượng” người dân từ nơi khác đến hoặc về từ vùng dịch để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đặc biệt trong thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành và toàn xã hội tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc và an toàn phòng dịch. Kỳ thi chưa từng có tiền lệ, một mặt vừa đảm bảo an toàn tất cả các khâu, một mặt vừa đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng tạo tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái cho thí sinh…

Đến ngày 23-8, toàn tỉnh An Giang tiếp nhận mới 25 người, hết thời gian cách ly 15 người, cách ly tập trung 461 người và cách ly tại nhà/nơi cư trú 182 người. Có 33 người về từ vùng dịch, không có cas F0, F1, F2.  

Để chủ động, Sở Y tế đang tổ chức kiểm tra các Trung tâm Y tế tuyến huyện, các bệnh viện tuyến tỉnh để ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới. Hiện, một số đơn vị tuyến huyện đã tái khởi động lại hoàn chỉnh theo yêu cầu.

Trên tuyến biên giới dài hơn 100 km tiếp giáp An Giang – Campuchia những ngày này, lực lượng vũ trang (chủ trì là Bộ đội Biên phòng) vẫn căng mình, kiên cường thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phòng chống tội phạm. Đang cao điểm mùa dịch, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang vẫn không một phút lơ là, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, cửa khẩu. Từ đầu mùa dịch tới nay, các Đồn biên phòng trên tuyến biên giới thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các lực lượng Công an, quân sự, y tế địa phương; thường xuyên trao đổi tin tức tình, phối hợp kiểm soát chặt chẽ người qua lại biên giới, đường mòn, kênh rạch.

Có mặt tại các tổ chốt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ đội Biên phòng An Giang, chúng ta càng cảm nhận được sự quyết tâm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ đang căng mình thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phòng chống các loại tội phạm. Cán bộ, chiến sĩ thực sự xác định rõ tinh thần, trách nhiệm, sẵn sàng cho một “cuộc chiến” lâu dài và gian khổ. Đã duy trì hàng trăm tổ kiểm soát, chốt chặn, lưu động, thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch và hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới.

Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang, cho biết:  “Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp trở lại, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã chủ động, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao nhất theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra đến từng tổ chốt, từng đoạn biên giới để kiểm tra và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ”.

Phun xịt hóa chất đảm bảo an toàn phòng dịch ở các trường học

Phát huy vai trò Mặt trận, đoàn thể

Với vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, UBMTTQVN, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động các biện pháp phòng chống dịch, huy động sự ủng hộ trong nhân dân, có những người ủng hộ bằng hiện vật, bằng sáng kiến, bằng tiền mặt để cùng các ngành chức năng của tỉnh thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố có biên giới với nước bạn Campuchia, MTTQ các cấp làm tốt công tác tuyên truyền các quy định về qua lại biên giới và vận động, quyên góp cả về vật chất, tiền của trong các tổ chức cá nhân để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng, cho biết: tính đến ngày 19-8-2020, Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán tỉnh An Giang (cấp tỉnh) đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền được 18,9 tỷ đồng và đã phân bổ trên 7,3 tỷ đồng để hỗ trợ các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch bệnh và các hộ dân bị ảnh hưởng do hạn hán.

Bên cạnh đó, trong việc thực hiện an sinh xã hội, hệ thống MTTQ các cấp đã vận động được trên 177 tỷ đồng, từ đó cất mới 710 căn nhà, sửa chữa 136 căn nhà Đại đoàn kết và trên 13 tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm đạt mục tiêu công trình 1.000 căn nhà Đại đoàn kết để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Sáng 21-8, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang tổ chức chương trình tiếp nhận tài trợ an sinh xã hội năm 2020 và hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng.

“Cuộc chiến ứng phó đại dịch COVID-19 vẫn còn dài và diễn biến phức tạp, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh mong tiếp nhận được sự  đóng góp của các tổ chức, cá nhân và mong muốn mỗi người dân tiếp tục có thêm nhiều hành động thiện nguyện để giúp hộ nghèo, gia đình khó khăn và những người gặp thiên tai, hoạn nạn… mong muốn cộng đồng cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo, không để ai ở lại phía sau”- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng kêu gọi

Đồn Biên phòng Phú Hội (An Phú) bắt giữ 6 người nhập cảnh trái phép

Chủ động ứng phó 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ lây lan trong cộng đồng sau khi dịch khởi phát tại TP. Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đề nghị toàn hệ thống chính trị và người dân tái khởi động hệ thống phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, chấp hành nghiêm các cấp độ phòng, chống dịch theo quy định và nâng cấp độ dự phòng lên một mức so với thực tế. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp người dân từng đến TP. Đà Nẵng từ ngày 1 đến 28-7-2020 để sàng lọc, xác minh các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp tiếp xúc gần người bệnh, nghi ngờ bệnh; tổ chức cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm, tránh lây lan.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn và phòng dịch. Đối với các sự kiện thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Nhất là, tăng cường tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, cài đặt Bluezone; vận động người dân kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép hoặc người về từ vùng có dịch, để kịp thời xử lý…

Ngày 19-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, chủ trì buổi họp trực tuyến các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Giao Công an tỉnh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan y tế rà soát, sàng lọc, xác minh tất cả các trường hợp từng đi đến vùng dịch (hoặc nới có nguy cơ) và phối hợp giám sát việc thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng; xử lý nghiêm, kiên quyết khởi tố các tổ chức, cá nhân đưa người xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang tăng cường quản lý chặt chẽ biên giới, tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở; cách ly tất cả các trường hợp được nhập cảnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để lọt đối tượng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới; khẩn trương có kế hoạch xây dựng các chốt chặn đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; chủ động xây dựng kế hoạch huy động lực lượng Quân y cùng phối hợp triển khai bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Sở Y tế thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để kịp thời đưa ra cảnh báo, đề xuất biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kể cả tình huống có ca nhiễm trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ, thuốc, hóa chất… phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khẩn trương rà soát, củng cố và thực hiện thật nghiêm các quy trình tiếp nhận bệnh nhân và quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang khẩn trương xây dựng Kế hoạch năm học 2020-2021 và Kế hoạch khai giảng năm học mới theo 2 phương án có dịch và không có dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về việc tiếp nhận các đối tượng học sinh từ Campuchia theo kiến nghị của các huyện biên giới.

Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông vận tải công cộng. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch hướng dẫn các khu, điểm du lịch áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Đối với các du khách đến từ vùng dịch thì cần khai báo y tế, đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng nghi ngờ thì phải cách ly ngay.

Sở Công thương đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, không để tình trạng khan hiếm hay biến động giá trên thị trường. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là; các địa phương bố trí điểm cách ly tập trung đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Địa bàn “tuyến sau” chủ động chuẩn bị để tăng cường hỗ trợ cho các huyện tuyến trên khi cần thiết. Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, bố trí dung dịch sát khuẩn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế- xã hội cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như thực hiện đeo khẩu trang, chỗ ngồi giãn cách, bố trí dung dịch sát khuẩn, vệ sinh phòng họp…

*

Cuộc chiến ứng phó đại dịch COVID-19 dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 và dịch bệnh sẽ sớm kết thúc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH