Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cục diện thế giới đang có những thay đổi rất mạnh. Thế giới đang ổn định lại theo hướng thiết lập và định hình một trật tự mới, với nhiều cực hơn. “Cuộc chơi” bây giờ không phải định hình bởi một người. Tình hình đó mang lại nhiều cơ hội mới cho những quốc gia đi sau và đang phát triển như Việt Nam.
Những thành tựu và đột phá của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đem lại cơ hội rất lớn cho các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam, một quốc gia có dân số đông, trẻ và năng động. Dân số trẻ sẽ tiếp cận nhanh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bứt phá, tiến nhanh. Trước đây, chúng ta thường ở vị thế nước chậm phát triển, đi sau. Nhưng khi đặt vào bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì trong một số lĩnh vực, Việt Nam có điểm khởi đầu giống các quốc gia khác, thậm chí còn “chạy” nhanh hơn các quốc gia phát triển hơn mình.
Do công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin có những bước tiến vượt bậc, quá trình toàn cầu hóa vẫn tiếp tục mặc dù có những lúc khúc khuỷu, trồi sụt. Toàn cầu hóa làm thế giới phẳng, biên giới trở nên mờ đi, nhiều thị trường cũng không còn ranh giới nữa.
“Tôi có một anh bạn kinh doanh thương mại điện tử tận bên Mỹ. Khi tôi hỏi lý do tại sao phải sang tận Mỹ, anh bạn nói là bên đó rất nhiều không gian, dư địa, thị trường ngách mà chúng ta chưa khai thác được. Chẳng cần phải có kho bãi, hệ thống logistics riêng, anh bạn đó vẫn có thể thu lợi nhuận lớn từ hệ thống thương mại điện tử”, ông Tuấn nêu dẫn chứng về những người biết tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là chuyển đổi số.
Bên cạnh chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh cũng là xu hướng mới của thế giới, tạo ra rất nhiều ngành và lĩnh vực mới.
“Vừa rồi tôi dự hội thảo quốc tế bên Hàn Quốc, không chỉ bàn về năng lượng tái tạo mà người ta còn bàn rất nhiều về một ngành công nghiệp được dự đoán sẽ phát triển rất mạnh, rất có triển vọng, đó là công nghiệp dựa trên Hydrogen, ngành công nghiệp theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Việt Nam cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mục tiêu này)”, ông Tuấn nói.
Xu hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng giảm nhẹ phát thải, xanh hóa sản xuất, xanh hóa sản phẩm, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn tiêu dùng bền vững. Nếu có những chuyển đổi nội tại, đáp ứng yêu cầu đấy thì chúng ta có cơ hội để xuất khẩu sản phẩm sang khá nhiều thị trường bắt đầu có nhu cầu rất cao đối với những sản phẩm xanh hóa.
Một cơ hội nữa, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cũng rất tốt cho Việt Nam, đó là xu hướng dịch chuyển đầu tư, cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu. Do xung đột về chính trị, quân sự, rồi tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc mới nổi, sự xuất hiện của robot và công nghệ mới, nên thế giới đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài về bản địa hay về các vùng xung quanh “mẫu quốc”, đa dạng hóa thị trường đầu tư. Chuỗi giá trị toàn cầu vì thế cũng được định hình lại.
Trước đây thị trường Trung Quốc tập trung rất nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bây giờ theo xu hướng mới của cơ cấu lại dòng đầu tư, cơ hội lớn đang dành cho các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Bởi thế, không có gì quá ngạc nhiên khi trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn, xuất nhập khẩu giảm liên tục, riêng FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Việt Nam về cơ bản vẫn giữ nguyên, thậm chí giá trị giải ngân đầu tư còn tăng nhẹ 0,5% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Còn một câu chuyện khác, thu hút sự quan tâm của toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu. Việt Nam có tên trong danh sách là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đã có kịch bản dự đoán nếu mực nước biển tăng 1m thì khả năng Việt Nam bị mất khoảng 40% diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh có thể bị ngập tới 20%.
Nhắc tới biến đổi khí hậu, mọi người thường nghĩ theo hướng tiêu cực. Nhưng nếu nhìn theo góc độ khác thì thực ra cũng có nhiều cơ hội.
“Để hạn chế thiệt hại trước nguy cơ giảm diện tích đất canh tác do nước biển dâng thì chúng ta có thể thay đổi các mô hình kinh doanh, ví dụ không trồng lúa nữa mà nuôi trồng thủy hải sản, giá trị gia tăng còn cao hơn trồng lúa. Rồi rất nhiều ngành, lĩnh vực khác có thể chuyển đổi mô hình. Đây chính là các cơ hội. Tất nhiên, nếu chúng ta không chớp được cơ hội, để nó trôi đi thì sẽ lại là thách thức. Đó là hai mặt của một vấn đề”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý.
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6/2023 công bố dự báo kinh tế thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 2,4% năm 2024. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tích cực hơn, năm 2023 có thể đạt 2,7%, và 2024 có thể 2,9%. Những dự báo như vậy cho thấy triển vọng của kinh tế thế giới không mấy sáng sủa.
Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng rất lớn, vì chúng ta là một nền kinh tế rất mở, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài. Chúng ta sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức về thị trường, nhất là khi doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị những thị trường thay thế trong điều kiện các thị trường truyền thống giảm sút mạnh sức mua.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, với tỷ lệ 6% và 6,5% cho cả năm 2023. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng rất khó để đạt được những con số tỷ lệ này, dù rằng ổn định vĩ mô của chúng ta khá tốt trong 6 tháng đầu năm, lạm phát chỉ có 3,29%, nợ công 38%, bội chi ngân sách rất ít.
“6 tháng đầu năm, chúng ta đạt tỷ lệ tăng trưởng rất thấp. Nếu muốn tăng trưởng cả năm 6% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 8%. Với kịch bản 6,5% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9%. Làm sao đạt được điều đó trong điều kiện thị trường thế giới chưa được phục hồi một cách chắc chắn, niềm tin của thị trường chưa được khôi phục, những xu hướng bất ổn đang còn kéo dài… Cá nhân tôi nghĩ năm nay mà đạt 5 – 5,5% đã là rất tốt rồi”, ông Tuấn nhận định.
Trong bối cảnh nhiều “màu xám” như vậy, giải pháp cần triển khai ngay là tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khơi thông mạnh mẽ được các nguồn lực. Cần tạo điều kiện nhiều hơn và thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn và các nguồn lực. Cần phải chú ý phục hồi các động lực cho tăng trưởng, nhất là đầu tư công, và phải chú ý đến cả những động lực phi kinh tế như là thái độ, động lực làm việc của một bộ phận hiện nay, tránh tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm và không muốn làm.
Về phần các doanh nghiệp, quan trọng nhất hiện nay là cần chủ động có những phương án khác nhau, đa dạng hóa thị trường, có thể thay thế thị trường bên ngoài bằng thị trường bên trong một khi thị trường bên ngoài đang rất bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu giảm do thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm sút. Phải chủ động xây dựng kế hoạch hướng vào thị trường trong nước và khu vực, có những phương án khác nhau về huy động vốn, và đầu tư, kinh doanh… Đó là những giải pháp ngắn hạn trước mắt.
Còn về dài hạn, doanh nghiệp cần đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, số hóa. Cần phải chú ý đầu tư để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Đông Nam Á hiện nay được đánh giá là một trong những khu vực năng động nhất và có triển vọng nhất thế giới. Nếu chúng ta biết khai thác vị thế địa lý của một quốc gia Đông Nam Á như là một trung tâm hấp dẫn các nguồn lực và đầu tư thì sẽ có cơ hội rất tốt để mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực về công nghệ, nhân lực… để có thể vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh. Riêng với các doanh nghiệp, tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng cần phải thích ứng, chớp cơ hội kịp thời để có thể vượt qua khó khăn trước mắt, giành phần thắng trong “cuộc chơi” mới. Đây là yếu tố rất quan trọng”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ thêm.
Theo Vietnamnet