Đọc báo xưa và nay

12/02/2024 - 07:41

 - Trong xã hội hiện đại, mọi người kết nối nhau qua những cú click chuột, “lướt” điện thoại thông minh (smartphone)… Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của “truyền thông số”, nên việc đọc báo, xem báo cũng khác trước rất nhiều. Mặc dù phương thức đọc có thay đổi theo hướng tiện ích và đa dụng, nhưng nhu cầu thông tin đối với nhân loại là rất cần thiết và không thể thiếu. Và công nghệ phát triển sẽ giúp chuyển tải thông tin đến công chúng nhanh nhạy, kịp thời.

Nhiều thông tin trên những trang báo xưa cũ chính là nguồn tư liệu quý

Ở quê hồi mấy chục năm về trước, khi mà chưa có điện đường, mỗi xã chỉ vài người có ti-vi đen trắng xài bình ắc-quy, điện thoại bàn thì chỉ cơ quan mới có. Việc nghe nhìn thời bấy giờ rất hạn chế. Thế nên, có được sách, báo để đọc là điều quý giá đối với nhiều người.

Ngày đó, quê tôi còn nghèo. Đường sá đi lại rất khó khăn, mọi di chuyển chủ yếu bằng xuồng, đò, chưa có điện, nên báo chí chưa phát hành tới nơi. Thế nên, đọc báo là một việc gì đó rất xa xỉ. Chỉ có những người làm ở các cơ quan mới có được tờ báo để xem, nhưng việc phát hành cũng chậm. Người ở chợ thì đỡ hơn, có thể mua báo đọc, nhưng giá cả không hề rẻ, nên chỉ có cán bộ, người về hưu hoặc những ai cần xem để giải quyết công việc liên quan… mới mua báo.

Hà Nội chuyện xưa phố cũ (Ảnh: TƯ LIỆU)

Những năm 1995 - 2000, báo in giai đoạn này rất phát triển. Dọc trên các trục đường lớn ở đô thị, người ta bày rất nhiều điểm bán báo. Ngoài ra, các quầy sách báo, tạp chí với hàng chục “bổn báo” lớn, như: Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên… và nhiều tờ báo chuyên biệt (Mực tím, Nhi đồng, Rùa vàng, Khăn quàng đỏ…), tạp chí văn học - nghệ thuật, thơ, văn… với đầy đủ thể loại, phong phú màu sắc, hình ảnh bắt mắt.

Thời điểm này, Internet chưa phát triển mạnh, nên độc giả mua sách, báo rất nhộn nhịp. Thế nên, nhiều người làm giàu từ nghề bán sách, báo. Cánh sinh viên xa quê chúng tôi, nhiều đứa tranh thủ những buổi nghỉ học cũng nhận báo để đi bán dạo có tiền chi phí. Mang xấp báo đi vào các bến tàu, bến xe, chợ… thoáng qua là bán sạch. Nhất là, những ngày báo có đăng vụ án lớn hay tin “nóng”, thì báo phát hành số lượng nhiều hơn và bán cũng nhanh hơn. Thậm chí, người ta còn photocopy trang báo có đăng vụ án, sự kiện “hot” để bán lẻ với giá bằng giá bán của cả tờ báo (do không đủ báo bán)!

Ngày đó, chúng tôi phải dành tiền để mỗi tuần chờ mua cho được một tờ báo (do xuất bản hàng tuần), như: Hoa học trò, Mực tím, Nhi đồng... Đây là những tờ báo “chuyên biệt” của tuổi teen, nên giới trẻ háo hức đón đợi. Nhiều chuyên mục hấp dẫn, thu hút giới trẻ, như: Viết ngắn, nhí nhố, tản văn, thơ, truyện ngắn… rất xì-tin, phù hợp thị hiếu của tuổi mới lớn.

Cầm tờ báo trên tay, cảm nhận mùi giấy mới thơm tho, trong lòng mừng khấp khởi. Giấy in bóng mượt, màu sắc phong phú, hình ảnh sinh động… rất quý nên ai cũng đọc rất cẩn thận. Nhớ có hôm tôi nhận được “báo biếu” của tờ “Mực tím”, cả lớp chuyền tay nhau, giành giật một hồi làm tờ báo rách tươm mà tức hùi hụi. Mừng vì có bài được đăng, nhưng buồn vì rách báo, phải mua lại để dành đọc!

Thời gian này, thư viện là nơi có rất đông người đến tìm đọc sách, báo, nghiên cứu tư liệu. Đêm đến, thư viện vẫn sáng đèn. Trong tiếng quạt máy vo vo, những ánh mắt như dán chặt vào từng trang sách, báo để tìm kiếm những tri thức, thông tin hữu dụng. Thế mới thấy, báo cũ nhưng chưa cũ. Qua thăng trầm thời gian, những trang báo cũ lại trở thành tư liệu quý về văn hóa, lịch sử và mang giá trị đặc biệt ý nghĩa đối với nhiều người.  

Một chị thủ thư công tác lâu năm ở thư viện cho biết: “Hồi đó, thư viện đông vui lắm. Mỗi ngày, có hàng trăm người đến đọc và mượn sách, báo. Dần dần, công nghệ phát triển, người ta đọc sách, báo qua Internet, “lướt” web, nên lượng độc giả ít dần, chỉ những người thực sự yêu thích đọc.

Hiện, nhiều thư viện đầu tư, bổ sung lượng sách, báo phong phú nhằm tăng hứng thú, hình thành “văn hóa đọc” cho giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Nhiều người tìm những trang báo cũ để tra cứu các sự kiện chính trị, tìm các hình ảnh, tư liệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn lịch sử, thông tin về nhân vật lịch sử, địa phương... để làm đề tài nghiên cứu khoa học, viết luận văn, khóa luận tốt nghiệp...”.

Lẽ dĩ nhiên, xã hội càng phát triển thì con người cần nhiều dịch vụ tiện ích. Cùng với sự bùng nổ của Internet và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, khiến người ta hứng thú hơn khi nghe nhạc, xem phim, đọc tin tức trên nhiều phương tiện kỹ thuật số, như ti-vi, máy tính, smartphone…

Chỉ cần nằm một chỗ, “lướt” nhẹ ngón tay trên màn hình smartphone thì cả “thế giới thông tin” khắp 5 châu, 4 biển cũng phơi bày ra trước mắt. Thậm chí không cần ấn chữ tìm kiếm, mà chỉ cần qua giọng nói cũng có thể tìm được địa chỉ trang web cần tìm. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đòi hỏi truyền thông phải bắt nhịp nhanh nhạy, cần phải chuyển đổi số báo chí.

Đặc biệt, kỹ thuật số còn cho phép sử dụng App đọc báo với sự tiện lợi tối đa: App đọc báo giúp cập nhật tin tức mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần một chiếc smartphone và kết nối Internet. Các ứng dụng đọc báo tổng hợp tin tức từ nhiều nguồn khác nhau giúp có cái nhìn toàn diện về các sự kiện. Các ứng dụng thường cập nhật tin tức trong thời gian thực, giúp độc giả cập nhật thông tin mới nhất.

Với tính tiện lợi, đa dạng nguồn tin, và tích hợp nhiều tính năng thông minh, độc giả có thể dễ dàng cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi và trải nghiệm thế giới thông tin đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, việc tổng hợp tin nhanh nhưng một số trang báo thiếu kiểm chứng nên đăng tải những thông tin giả, sai sự thật… do đó, độc giả cần phải chọn lọc những trang báo chính thống, uy tín.

Hiện nay, khó tìm những sạp báo trên đường phố (Ảnh: TƯ LIỆU)

Với nhiều loại hình đa dạng và tiện ích cho nhu cầu thông tin, nhưng việc đọc báo, xem báo vẫn có những giá trị rất riêng. Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: “Báo chí là lịch sử của những cái hàng ngày. Cái hàng ngày luôn luôn diễn ra mà cái hôm nay không lặp lại tờ báo hôm qua, nó lưu giữ cái hàng ngày của hôm qua và cho đến 100 năm sau, 1.000 năm sau vẫn còn nguyên giá trị thông tin nếu muốn tìm lại”.

Thế nên, báo giấy không phải là sự hoài cổ, tiếc nuối cái cũ, mà đó là thông tin, giá trị của những thứ không bao giờ thay đổi, không mất đi. Nói như một giảng viên khoa báo chí, thì báo in như là “văn bia”, rất chuẩn mực và đại chúng, mang tính định hướng rất cao. Bởi, đây là sản phẩm của rất nhiều công đoạn, được chăm chút, biên tập… rất công phu.

Tính “văn bia” còn ở chỗ, cho dù vài chục, vài trăm năm sau, khi cần thì người ta vẫn có thể mang ra đối chiếu, nghiên cứu… và còn bảo lưu giá trị. Thậm chí, nhiều thông tin trên những trang báo xưa cũ trở thành nguồn tư liệu quý, mà giá trị thì khó thể đong đếm được.

HỮU HUYNH