Hệ thống tượng có tuổi đời hàng trăm năm
Những bức tượng cổ trong chùa Đồng Niên có tuổi đời hàng trăm năm có giá trị về nhiều mặt như: văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc.
Cụm di tích đình, chùa Đồng Niên được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1994. Chùa Đồng Niên được xây dựng từ thời Hậu Lê và trùng tu vào các năm 1800, 1924. Trải qua những biến thiên của lịch sử, di tích vẫn còn bảo lưu được những hiện vật quý. Tại chùa hiện còn lưu giữ quả chuông đề “Diên Phúc tự chung” có niên đại Cảnh Thịnh bát niên (1800); là niên đại sớm nhất trong tất cả các niên đại còn ghi tại chùa. Tháng 3/2020, chùa Đồng Niên đã được trùng tu khang trang.
Trải qua hàng trăm năm, đình và chùa Đồng Niên vẫn là địa chỉ tâm linh gắn liền với những thăng trầm của đời sống nhân dân địa phương. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được nhân dân Đồng Niên tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ công lao các vị Thành hoàng làng.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ban Quản lý di tích phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, cho biết: Di tích đình, chùa Đồng Niên hiện nay còn lưu giữ được hệ thống cổ vật gồm hệ thống tượng cổ, thần tích, chuông cổ, khánh đá cổ, bia đá, long ngai… Đáng chú ý, trong chùa Đồng Niên còn lưu giữ 38 pho tượng, trong đó có ba pho tượng bằng đất. Tượng Phật hiện tại được tạc ở thế ngồi trên tòa sen, chất liệu bằng gỗ, sơn son thếp vàng; tượng Phật vị lai có chất liệu gỗ mít, sơn ta, nhũ vàng quỳ và tượng Phật quá khứ được tạc theo thế ngồi thiền trên tòa sen, chất liệu gỗ mít sơn ta, thếp vàng quỳ. Cả ba pho tượng Phật đều có niên đại thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII.
Ngoài ra, tượng Quan Âm tọa sơn là tượng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tượng A Nan tôn giả và Ca Diếp tôn giả được tạc ở thế đứng trên tòa sen, chất liệu bằng gỗ, sơn ta màu đỏ thẫm, có niên đại chế tác thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tượng Quan Âm chuẩn đề ngồi thiền trên tòa sen, có 12 tay, được sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Tượng Ngọc Hoàng tạc theo kiểu chân dung ngồi trên bệ, tượng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX...
Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, các cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Dương đánh giá chùa Đồng Niên là một trong số ít di tích có hệ thống tượng pháp khá phong phú và giữ được hiện trạng. Các pho tượng được chế tác tinh xảo, đường nét và màu sắc còn rất sống động, có giá trị về nhiều mặt như văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc. Đây là điều rất đáng quý.
Bảo vệ, phát huy giá trị
Những bức tượng cổ trong chùa Đồng Niên có tuổi đời hàng trăm năm có giá trị về nhiều mặt như: văn hóa, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc.
Theo ông Nguyễn Tiến Thanh, mặc dù trải qua hàng trăm năm, bị chiến tranh tàn phá nhưng những hệ thống hiện vật, cổ vật tại di tích đình, chùa hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1964, ngôi chùa cổ Linh Quyết (ngoài đê) được tháo dỡ và các hiện vật được chuyển vào chùa Đồng Niên để thờ cho đến mãi sau này, trong đó có nhiều pho tượng. Việc di chuyển cũng khiến một số pho tượng bị thất lạc. Trong quá khứ, hệ thống tượng cũng từng có những hư hỏng nhỏ như một số pho tượng bị long, rụng chân, tay hoặc bệ ngồi. Địa phương đã kịp thời thuê thợ phục chế lại.
Ni sư Thích Đàm Nghị, trụ trì chùa Đồng Niên cho biết, nhận thức được đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhà chùa luôn quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn và quảng bá, giới thiệu giá trị của di tích với nhân dân và du khách mỗi khi tới chùa tham quan, chiêm bái. Theo Ban Quản lý di tích phường Việt Hòa, ý thức của người dân những năm gần đây đã được nâng lên, việc bảo quản các hiện vật trong di tích cũng tốt hơn.
Ông Nguyễn Tiến Thanh cho biết, vừa qua, với mong muốn khôi phục lại ngôi chùa cổ Linh Quyết, người dân địa phương đã dựng một ngôi chùa tạm trên nền chùa cũ. Một số pho tượng trong chùa Đồng Niên vốn thuộc về chùa Linh Quyết trước kia cũng đã được di chuyển về đây để thờ tự. Người dân địa phương mong các cấp có thẩm quyền quan tâm tạo điều kiện khôi phục lại ngôi chùa cổ Linh Quyết để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương. Đồng thời, việc này cũng nhằm bảo vệ tốt hơn đối với hệ thống hiện vật, tượng pháp tại đây.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích nói chung và hệ thống hiện vật, cổ vật nói riêng trên địa bàn thành phố Hải Dương, theo đại diện phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, cần làm tốt công tác quản lý, phát huy vai trò của cộng đồng, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ luật và các quy định để cùng chung tay với chính quyền bảo vệ, phát huy giá trị các di tích; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt vấn đề phát sinh để hướng dẫn kịp thời.
Theo Bảo tàng tỉnh Hải Dương, trong đợt 1 kiểm kê cổ vật (năm 1999 - 2000) đối với những di tích tiêu biểu, di tích quốc gia và cấp tỉnh, toàn thành phố Hải Dương có 948 cổ vật. Trong đó có 491 hiện vật chất liệu gỗ, 174 hiện vật bằng gốm, 169 hiện vật chất liệu kim loại, 107 hiện vật chất liệu giấy, 113 hiện vật chất liệu đá… Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc kiểm kê đợt 2 vẫn chưa được tiến hành. Để bảo quản tốt các hiện vật, việc kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng hiện vật, cổ vật tại các di tích là một trong những giải pháp cần thiết, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây có nhiều thay đổi về sáp nhập địa giới hành chính trong tỉnh.
Theo MẠNH MINH (TTXVN)