Độc đáo lạp xưởng từ cá thát lát

28/09/2022 - 07:12

 - Tận dụng nguồn nguyên liệu từ gia đình và địa phương, anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để sản xuất các loại sản phẩm từ cá thát lát. Nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường hiện nay, như: Chả cá rút xương tẩm gia vị, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát muối sả và gần đây nhất là lạp xưởng cá thát lát với hương vị thơm ngon, được đánh giá tiềm năng trong việc bình chọn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Dám nghĩ, dám làm

Gắn bó với mô hình nuôi cá thát lát cườm cách đây khá lâu, anh Nguyễn Thanh Tùng chứng kiến được những thăng trầm của nghề nuôi thủy sản nói chung, con cá thát lát nói riêng. Cũng bởi hiểu rõ quy luật của thị trường nên anh Tùng quyết tâm nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới từ loại thủy sản này.

Anh Tùng cho biết, khi diện tích nuôi cá thát lát phát triển mạnh tại địa phương thì bắt đầu xuất hiện tình trạng giá cả trồi sụt, bấp bênh. Không ít lần đến thời gian thu hoạch, người nuôi bị thương lái ép giá.

Từ khó khăn đó, anh Tùng bắt đầu suy nghĩ đến việc chế biến những sản phẩm cá thát lát từ chính vùng nguyên liệu của mình. Dám nghĩ, dám làm, anh Tùng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng quy trình khép kín cho con cá thát lát, từ khâu ươm giống, nuôi cá nguyên liệu đến sản xuất thành các sản phẩm hấp dẫn, đưa ra thị trường.

Việc phát triển các sản phẩm từ cá thát lát vừa tạo đầu ra cho thủy sản địa phương, vừa tạo việc làm cho người dân.

Từ năm 2016, anh Tùng đã tự nghiên cứu tài liệu, quy trình sản xuất, cách tẩm ướp mang hương vị đậm đà, đặc trưng của miền Tây, đồng thời chế biến các sản phẩm từ cá thát lát, như: Chả cá thát lát tươi, cá thát lát để nguyên con muối sả ớt, chả cá thát lát tẩm gia vị. Sau đó, anh Tùng tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Sản phẩm vẫn giữ nguyên phần hình thể con cá, phần thịt cá bên trong tách hết xương, xay thành chả, tẩm gia vị rồi đưa trở vô thân cá, tạo hình nguyên con cá ban đầu.

Các sản phẩm làm ra đều được kiểm nghiệm chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, làm hồ sơ tự công bố sản phẩm. Để tiện cho việc kinh doanh, anh Tùng đã thành lập Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản Thanh Tùng (trụ sở tại tổ 10, ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân). Sản phẩm cá thát lát Thanh Tùng đã có mặt ở Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc); đại lý phân phối tại phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), Siêu thị Co.opMart... Mỗi tháng, công ty của anh Tùng cung cấp ra thị trường 3-4 tấn sản phẩm, giá từ 75.000-135.000 đồng/sản phẩm (tùy loại).

Thêm sản phẩm từ cá thát lát

Tiếp nối thành công với các sản phẩm chả cá rút xương tẩm gia vị, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát muối sả… anh Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm lạp xưởng cá thát lát. Sản phẩm hiện đang được người tiêu dùng đánh giá cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Anh Tùng cho biết, sau nhiều lần nghiên cứu, “làm đi làm lại”, cuối cùng anh đã rút ra được công thức cho riêng mình. Để có được sản phẩm chất lượng, hương vị thơm ngon, khâu chuẩn bị nguyên liệu là quan trọng nhất. Những con cá thát lát đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ được làm sạch, nạo lấy phần thịt.

Phần thịt cá sao đó trộn với một ít thịt heo, gia vị, cho vào vỏ rồi đóng gói. Anh Tùng giải thích, việc cho thịt heo vào trong lạp xưởng để giúp sản phẩm có độ béo, mềm. Nếu trong thành phần chỉ có cá thát lát thì sau khi chế biến, lạp xưởng sẽ rất khô.

Lạp xưởng cá thát lát là một trong những món ăn mới mẻ, hương vị vô cùng độc đáo. Sản phẩm dù mới có mặt trên thị trường nhưng được đánh giá tích cực, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, anh Tùng bán ra thị trường 500-600kg lạp xưởng cá thát lát, giá bình quân 140.000 đồng/sản phẩm (500gr).

Bên cạnh tự khép kín quy trình sản xuất an toàn, nâng cao giá trị của con cá thát lát, Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản Thanh Tùng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Những lúc cao điểm, số lượng lao động tại công ty lên đến 20 người. Bình quân mỗi lao động được trả từ 4-6 triệu đồng/tháng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Trong khi giá cá tươi không ổn định, người nuôi cá thát lát bấp bênh thì việc đầu tư chuyển đổi phương thức làm ăn như anh Tùng là hướng đi hiệu quả, vừa giải quyết sản lượng cá nuôi tồn đọng hàng năm, vừa có thêm sản phẩm mới, lạ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Thời gian tới, anh Tùng sẽ cải tiến, nâng cao chất lượng cho những sản phẩm của công ty. Đồng thời nghiên cứu, phát triển các loại sản phẩm từ cá thát lát để làm đa dạng các sản phẩm của địa phương. 

Cá thát lát cườm hay còn gọi là cá nàng hai, là một trong những loại thủy sản rất được ưa chuộng hiện nay bởi vị ngọt thơm, có chút dai nhẹ. Cũng bởi độ dai này mà cá rất thích hợp để chế biến thành món chả. Ngoài chất lượng thịt thơm ngon thì cá thát lát còn có tác dụng bổ huyết, tăng cường sức khỏe, phù hợp cho nhiều đối tượng.

ĐỨC TOÀN