Tranh phù điêu còn được gọi là đắp nổi- một loại hình hội họa được “vẽ” trên một mặt phẳng bằng cách đắp nổi hoặc khoét lỏm mặt phẳng để tạo ra những họa tiết, đường nét, hình thù như mong muốn.
Chất liệu để làm tranh phù điêu rất đa dạng, như: Composite, thạch cao, gỗ hoặc đá…, nhưng được sử dụng nhiều nhất là xi-măng.
Anh Nguyễn Thái Sửu (26 tuổi, ngụ huyện Quảng Ngạn, TP. Huế) cho biết: “Tôi theo nghề làm phù điêu hơn 5 năm. Tôi được truyền nghề từ những người chú, anh trong gia đình, dòng họ. Ở Huế, nghề làm phù điêu được xem là một nghề truyền thống...".
Anh Sửu chia sẻ: “Nắm bắt nhu cầu trang trí nội, ngoại thất của người dân, nhất là ở các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, tôi quyết định “di cư” vào Nam để lập nghiệp và mong muốn bằng đôi tay của mình sẽ góp phần làm đẹp cho đời”.
Để tạo ra các bức tranh đẹp đòi hỏi người họa sĩ, nghệ nhân phải sáng tạo trong phát họa tranh và cẩn thận, tỉ mẫn, khéo léo trong từng chi tiết nhỏ khi đắp, khoét… tạo thành 1 bức phù điêu hoàn chỉnh.
Tùy theo sở thích, nhu cầu của gia chủ, những “nghệ nhân” đắp phù điêu sẽ phát thảo những bức tranh bằng viết bút lông lên bề mặt xi-măng phẳng, như: Tranh đồng quê, nhà cổ xưa, chim cò, hoa sen…
Sau đó, “nghệ nhân” pha trộn xi-măng theo tỷ lệ và dùng cây bay đắp phù điêu để tạo hình. Theo anh Sửu, để hoàn thiện 1 bức tranh phù điêu có độ tinh xảo, nghệ thuật cao thì không thể bỏ qua những quy trình nghiêm ngặt (sử dụng chất liệu, pha và phối màu) và đòi hỏi tay nghề cao của nghệ nhân.
Trang trí phù điêu mang lại cho người quan sát cái nhìn thực tế 3D, có chiều sâu, góc cạnh. Do vậy, cảm giác chân thực và có hồn là điều mà ai cũng sẽ cảm nhận được.
THU THẢO