Độc đáo những chiếc chậu thuyền

01/02/2022 - 06:57

 - Chiếc thuyền từ lâu đã gắn liền với hình ảnh người dân miền sông nước nói chung, An Giang nói riêng. Không chỉ đơn giản là phương tiện đi lại, hình ảnh chiếc thuyền còn thể hiện mong muốn của con người trong việc chinh phục thiên nhiên. Với ý nghĩa đó, cùng với niềm đam mê cây cảnh, ông Bùi Văn Oai (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) khéo léo tạo ra những chiếc chậu theo hình ảnh những chiếc thuyền vừa độc đáo, vừa gần gũi để phục vụ thị hiếu của người chơi kiểng.

Đôi tay nghệ thuật

Mỗi năm, thị trường hoa kiểng Tết xuất hiện những loại cây cảnh độc đáo phục vụ nhu cầu trang trí của người dân. Sự phát triển của thú chơi hoa kiểng, đặc biệt là những loại bon-sai đã kéo theo nhu cầu về những loại chậu chất lượng, mẫu mã “xứng lứa vừa đôi” mới tôn lên vẻ đẹp của các loại cây cảnh. Chính vì thế, người làm chậu kiểng phải bắt kịp nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Trước kia chậu kiểng chủ yếu là dáng tròn, không có hoa văn, họa tiết. Những năm gần đây, khách hàng đòi hỏi mẫu mã, kiểu dáng ngày càng cao, người thợ cũng tìm tòi, nghiên cứu nhiều chủng loại, kích thước phục vụ nhu cầu của thị trường, như: Hình vuông, chữ nhật, lục giác; các hoại chậu có hình động vật...

Bắt nguồn từ xu thế đó, cùng với niềm đam mê cây cảnh, ông Bùi Văn Oai (xã Long Điền B) đã tìm tòi, nghiên cứu ra những chiếc chậu mang hình ảnh chiếc thuyền. Sản phẩm vừa độc đáo, vừa gần gũi với đời sống người dân miền sông nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng nên được nhà vườn, người chơi kiểng gần xa chọn lựa.

Ông Oai cho biết, để làm ra được chậu cảnh sinh động không thể thiếu các nguyên liệu, như: Sắt, thép, cát, xi-măng. Tuy nhiên, khác với những chiếc chậu truyền thống, làm chậu theo hình dạng những chiếc thuyền khó hơn. Thay vì sử dụng những chiếc khuôn hay dụng cụ để xoay, làm chậu theo hình dạng chiếc thuyền chủ yếu dựa vào sự quan sát và sáng tạo của bản thân để hoàn thành tác phẩm. Trong quá trình thực hiện sản phẩm, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cũng như thẩm mỹ, từ đó mới tạo ra những tác phẩm có kiểu dáng mềm mại, tinh xảo, gây được ấn tượng.

Để làm những chiếc chậu hình dạng chiếc thuyền phải trải qua nhiều công đoạn. Về cơ bản, những chiếc chậu kiểu này gồm 2 bộ phận, bao gồm: Phần thân và phần mui. Để làm phần thân, ông Oai đắp cát trên 1 cái đế có hình cung, bằng gạch. Kế đến, ông tạo hình dạng cho cát giống như hình dạng con thuyền úp ngược để làm lồng chậu.

Sau khi đã tạo hình xong, ông dùng hồ xi-măng đắp lên trên, đồng thời làm mịn phần hồ để tạo mặt ngoài cho chiếc thuyền. Sau khi hoàn thành công đoạn tạo hình, ông Oai sử dụng những miếng gạch men đã qua sử dụng hay bị lỗi trong quá trình sản xuất cắt thành miếng nhỏ hình chữ nhật (dài khoảng 2-3cm, rộng 1,5-2cm) rồi tỉ mỉ dán lên sản phẩm.

Khi xi-măng khô, ông Oai tiếp tục làm phần mui thuyền. Về cách làm phần mui giống như phần thân nhưng chỉ khác nhau về hình dáng, thời gian làm nhanh hơn. Bình quân mỗi tác phẩm, ông Oai mất khoảng 2 ngày.

Hình ảnh gần gũi

Đến với loại hình “nghệ thuật” này rất tình cờ. Ông Oai cho biết, trong một lần thấy hình ảnh chiếc chậu theo hình dạng con thuyền nên ông quyết định cải tiến phù hợp. Với con mắt “nhà nghề” của người có trên 40 năm kinh nghiệm làm thợ hồ, nên chỉ cần nhìn qua lần đầu là ông Oai định hình ngay cách thức làm nên những chiếc chậu có hình dạng độc đáo. Những sản phẩm đầu tiên, ông Oai mang đi khoe với bạn bè, đồng thời mang sản phẩm đến các cơ sở kinh doanh hoa kiểng trên địa bàn thị trấn Chợ Mới trưng bày, giới thiệu. Nhiều người thấy sản phẩm mới lạ, độc đáo đã đồng ý đặt hàng, từ đó tạo động lực để ông Oai tiếp tục nghiên cứu, tung ra thị trường những sản phẩm chất lượng hơn, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Theo ông Oai, hình ảnh con thuyền đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống người dân miền sông nước. Nó vừa mang cảm giác thân thuộc, gần gũi, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hanh thông, thể hiện ý chí vươn lên, khát khao chinh phục thành công của con người. Hơn hết, hình ảnh con thuyền vượt sóng còn mang ý nghĩa về sự kiên định, vượt mọi khó khăn, cũng như ước muốn của con người trong việc chinh phục thiên nhiên.

Ngoài chức năng là chậu cảnh thông thường, nó còn có thể sử dụng như một sản phẩm trang trí. Nhờ nó, người chơi kiểng có thể sáng tác những tác phẩm độc đáo, đa dạng dựa trên  những chiếc thuyền. Đặc biệt, người chơi cây cảnh có thể trang trí thêm những tiểu cảnh để làm cho chậu cây kiểng tăng thêm sức hút, sản phẩm có hồn hơn.

Từng có nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất lò trấu, lò củi, ông Bùi Văn Oai mong muốn làng nghề truyền thống địa phương phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ông Oai, nghề này đang dần mất chỗ đứng trên thị trường do phải cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại, như: Bếp gas, bếp điện... Ngoài ra, lực lượng lao động kế thừa có xu hướng giảm mạnh, do nhiều thanh niên không còn tha thiết gắn bó với nghề, mà đi nơi khác để tìm kiếm cơ hội làm ăn, mưu sinh...

Với việc tạo ra những chiếc chậu có hình dạng chiếc thuyền, ông Oai mong muốn sẽ mở ra hướng đi mới cho làng nghề truyền thống tại địa phương. Hơn hết, những tác phẩm nghệ thuật này còn ấp ủ giấc mơ về một nghề có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

ĐỨC TOÀN