Đợi… mùa nước nổi!

13/10/2023 - 06:13

 - Như một lời “hò hẹn” của thiên nhiên, hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 11 (âm lịch), miền Tây lại bước vào mùa nước nổi với biết bao sự hào sảng mà thiên nhiên ban tặng.

“Đặc sản” tắm đồng! Có thể gọi như vậy bởi đâu phải cứ muốn tắm đồng là sẽ được. Vài ngày trước, một vài người bạn ở phố khá tư lự khi buột miệng nói: “Thèm” tắm đồng quá! Câu nói vu vơ như gợi lại ký ức của nhiều người. Những con sóng tràn đồng khi lặng lẽ nhưng cũng có lúc hối hả nối đuôi nhau dắt chúng tôi về ký ức những ngày thơ...

Với người dân miền Tây, mùa nước nổi là một mùa đặc biệt. Nó không xếp vào bốn mùa xuân - hạ - thu - đông hay phân biệt rõ như mùa khô hay mùa mưa, bởi mùa nước không về đúng ngày đúng bữa, có khi ít khi nhiều. Theo kinh nghiệm của người miền Tây, khoảng tháng 7 (âm lịch), khi ngoài đồng chỉ còn màu vàng cháy của đám rạ khô, ngai ngái mùi tro và những cơn mưa về thường nhật hơn, người ta biết rằng… mùa nước về.

Ngụp lặn dưới dòng nước ấy, người lớn như được trở về với tuổi thơ. Trẻ con thì vui mừng vì được thỏa thích vùng vẫy trên sông nước. Nghĩ cũng ngộ, nước tràn đồng mà tắm lại vui hơn khi tắm sông, tắm suối. Có lẽ, vì chỉ được tắm một mùa trong năm nên mấy đứa trẻ miệt đầu nguồn mê tít, lúp xúp rủ nhau chơi đùa với con nước trên đồng.

Tìm về ấp 5, xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), cánh đồng 2 vụ nơi đây nước đã tràn đồng hơn một tháng qua. Đứng trên đường ra chốt dân quân thấy đồng nước nổi xa tít tắp, mênh mông như đã thấy được đường chân trời phía trước. Nhiều ngày liền mưa xối xả từ chiều đến tối khiến mấy đứa nhỏ nơi đây không được tắm đồng. Được hôm trời quang mây tạnh, đồng nước nơi đây nhộn nhịp tiếng cười đùa, rủ nhau tắm đồng làm rộn ràng một vùng biên xa xôi. 

Chị Lê Kiều (người dân ấp 5, xã Vĩnh Xương) nói rằng, mấy bé ở xóm cứ canh mưa tạnh để được tắm đồng. Mà có phải trẻ con trông ngóng đâu, người lớn cũng khấp khởi không kém. Từ khi con đường ra chốt dân quân hoàn thành, việc đi lại của bà con thuận tiện hơn, là điểm nhấn thú vị ra đồng nước nổi.

Ở đây, từ 4 - 6 giờ chiều là thời điểm lý tưởng nhất để tắm đồng. “Những năm gần đây, mỗi khi mùa nước về ngập cánh đồng là tôi dẫn các con đến đây vui chơi, tắm đồng. Tụi nhỏ thích lắm! Để an toàn, tôi mặc thêm áo phao cho con dù bé đã biết bơi” - anh Trần Thanh Tâm (ngụ xã Vĩnh Xương) chia sẻ. Ngoài cho con trải nghiệm tắm đồng, chị Nguyễn Mỹ Phụng (ngụ xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) cho biết, mỗi lần đến đây rất thích. Câu cá là một trong những việc chị Phụng thích nhất khi đưa con đến đồng nước nổi này.

Con nước về, ngoài mang theo những đặc sản như tôm cá hay những rặng điên điển vàng tươi thấp thoáng bến sông, mé đồng thì còn một thứ “đặc sản” độc đáo khác là tắm đồng. Năm nào con nước về ít, bà con lại buồn. Đó không chỉ là mùa đồng ruộng được tưới tắm, mùa mà nghề đánh bắt của bà con làm ăn được, bù lại cho mấy tháng không trồng trọt, chăn nuôi, mà là mùa của những kỷ niệm.

Thời điểm này, con nước từ thượng nguồn đổ về đã trắng xóa các cánh đồng vùng đầu nguồn xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc. Hơn một tháng nay, từ rạng sáng trên cánh đồng lũ đã tấp nập người ra đánh bắt thủy sản. Mùa lũ năm nay về trễ hơn mọi năm nhưng đối với người dân vùng đầu nguồn, mỗi khi con nước về là họ tất bật chuẩn bị ngư cụ đánh bắt thủy sản.

Chú Lê Chung Thu (ngụ xã Phú Lộc) chia sẻ: “Mỗi năm, khi kết thúc 2 vụ lúa và con nước đã tràn đồng, gia đình tôi chuẩn bị các ngư cụ, vá lại các lưới để mưu sinh theo con nước. Năm nay, con nước nhỏ, lượng thủy sản cũng ít hơn mọi khi nhưng mỗi ngày gia đình tôi cũng kiếm được 400.000 - 500.000 đồng. Chỉ là đủ ăn qua ngày nhưng đã quen rồi, mùa nước lên mà không theo nghề bà cậu, tôi thấy ngứa chân, ngứa tay lắm!”.

Trên cánh đồng lũ luôn nhộn nhịp người vận chuyển thủy sản vừa đánh bắt được, mang  ra các điểm thu mua để kịp buổi chợ. Đối với người dân vùng đầu nguồn, mùa nước nổi về được lặn hụp theo con nước là một niềm vui.

Mấy mươi năm sống với nghề đánh bắt thủy sản mỗi mùa nước nổi, chị Lê Thị Lợi (ngụ ấp Phú Quý, xã Phú Lộc) cho biết, từ đầu vụ đến giờ chưa “trúng” được mẻ nào. Tuy vậy, với việc chịu khó, bươn chải trên các cánh đồng lũ giúp gia đình chị kiếm thêm thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày.

Mùa nước nổi ngoài mang phù sa giúp cây trồng tốt tươi, còn mang theo những nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng. Vậy nên, người dân vùng đầu nguồn luôn mong chờ, hy vọng một mùa “lũ đẹp”.

PHƯƠNG LAN