Đối ngoại đa phương: Cơ hội và bài học từ "trọng trách kép"

23/01/2022 - 15:59

Năm 2020, với “trọng trách kép,” Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho an ninh, ổn định và thịnh vượng chung; khẳng định vị thế mới của một quốc gia yêu hòa bình, năng động, đổi mới...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19, sáng 14-4-2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 1-1-2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng là thời điểm nước ta giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020. Lần đầu tiên nước ta đảm nhiệm “trọng trách kép” này.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, “trọng trách kép” vừa là thử thách vừa là cơ hội để nước ta thể hiện được bản sắc, vị thế, tiếng nói trong khu vực cũng như trên trường quốc tế về một Việt Nam yêu hòa bình, năng động, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cơ hội thể hiện năng lực

Năm 2020, với “trọng trách kép,” Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho an ninh, ổn định và thịnh vượng chung; khẳng định vị thế mới của một quốc gia yêu hòa bình, năng động, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ở vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Trọng tâm là phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua đoàn kết nội khối, gắn kết kinh tế, xây dựng cộng đồng lấy người dân làm trung tâm; đồng thời thúc đẩy chủ động thích ứng, linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến của thời cuộc, với thách thức đan xen cơ hội, cạnh tranh chiến lược gia tăng, cũng như nhiều thách thức phi truyền thống nổi lên, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng và cả sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ...

Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam chọn chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” phản ánh rõ mục tiêu và cam kết của Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ hai này.

Đó là thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tham gia cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc, Việt Nam đã trực tiếp đóng góp vào các tiến trình thảo luận và ra các nghị quyết, quyết định về nhiều vấn đề quan trọng của thế giới và được cộng đồng quốc tế kỳ vọng đi đầu thúc đẩy quan hệ đối tác và đồng thuận trong Hội đồng Bảo an trong việc tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho các vấn đề toàn cầu.

Đặt mục tiêu đóng góp phát huy vai trò hàng đầu của Hội đồng Bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng và thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh là Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực và quốc tế.

Giữ vai trò kép đồng nghĩa gánh trách nhiệm kép, song, đây là cơ hội hết sức quan trọng để Việt Nam thể hiện năng lực và chủ động, tích cực cùng bạn bè quốc tế khơi dậy tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế, nhất là giữa Liên hợp quốc với ASEAN.

Hai trọng trách đa phương gắn kết góp phần thúc đẩy lợi ích chung giữa Việt Nam với cộng đồng khu vực và quốc tế, đồng thời làm nổi bật vai trò của Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa Liên hợp quốc và ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Ngay khi Việt Nam đảm nhiệm 2 vai trò quan trọng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trọng trách rất lớn, là 'trách nhiệm kép,' cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế.”

Điểm nhấn trong đối ngoại đa phương

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và năm 2021 là nước ASEAN duy nhất tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực cũng như tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Hội đồng Bảo an/Liên hợp quốc thông qua việc tổ chức Phiên thảo luận mở đầu tiên của Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc (tháng 1-2020, tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an) và Phiên thảo luận mở về vai trò các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; đồng thời thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua Tuyên bố Chủ tịch về nội dung này (tháng 4-2021, tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ hai trong nhiệm kỳ); đề cao vai trò của ASEAN trong thảo luận và văn kiện của Hội đồng Bảo an về vấn đề Myanmar.

Đặc biệt, sáng kiến của Việt Nam về việc Chủ tịch ASEAN 2021 (Brunei) thông tin cho Hội đồng Bảo an về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN, được các nước Hội đồng Bảo an đánh giá cao, bước đầu tạo thông lệ mới để đại diện ASEAN hiện diện, trình bày quan điểm tại Hội đồng Bảo an mỗi khi vấn đề Myanmar được thảo luận.

Một năm thực hiện "trọng trách kép," một năm tiếp tục triển khai những bước đi của mình, Việt Nam đã thể hiện rõ năng lực, sự chủ động, tích cực cùng bạn bè quốc tế khơi dậy tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế, nhất là giữa Liên hợp quốc với ASEAN.

Hai trọng trách đa phương gắn kết góp phần thúc đẩy lợi ích chung giữa Việt Nam với cộng đồng khu vực và quốc tế, đồng thời làm nổi bật vai trò của Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa Liên hợp quốc và ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Liên hợp quốc diễn ra tháng 10-2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định, quan hệ ASEAN-Liên hợp quốc ngày nay đã trở thành hình mẫu hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, trong khi đó Hiến chương Liên hợp quốc là khởi nguồn cho sự ra đời của Hiến chương ASEAN.

Nêu những đánh giá đối với Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong hai năm qua, Đại sứ Enrique A. Manalo, Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại Liên hợp quốc, đại diện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho rằng việc Việt Nam trúng cử, đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong hai năm qua không chỉ là một bước phát triển mạnh mẽ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với cả cộng đồng ASEAN.

Đảm nhiệm cương vị ủy viên trong Hội đồng Bảo an, nhất là khi làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng các nước ASEAN, đồng thời giúp củng cố mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và ASEAN thêm bền chặt.

Trong số những sáng kiến Việt Nam đã đề xuất tại Hội đồng Bảo an, Đại sứ Enrique A. Manalo đánh giá cao các sáng kiến củng cố quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN cũng như các tổ chức khu vực mà Việt Nam đã đưa ra. Việt Nam đã tạo được tầm ảnh hưởng thực sự khi Hội đồng Bảo an thảo luận các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các vấn đề khu vực châu Á, mà cụ thể nhất là Myanmar.

Đánh giá Việt Nam đã hoàn thành các cam kết của mình khi được tin tưởng bầu vào Hội đồng Bảo an, Đại sứ Enrique A. Manalo khẳng định Việt Nam là một thành viên rất thủy chung của ASEAN và khi được bầu vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thường xuyên cập nhật thông tin cho ASEAN về những vấn đề đang được thảo luận trong Hội đồng Bảo an để các nước hiểu rõ hơn về các quyết định liên quan.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana cũng nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ này.

Đảm nhiệm "trọng trách kép" trong bối cảnh những thách thức chưa từng có trong lịch sử, đó là sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 cùng nhiều yếu tố bất ổn trên nhiều khu vực, Việt Nam vẫn tích cực, chủ động và nỗ lực trong mọi hành động, nhờ đó, tiếp tục nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao đối với vai trò và đóng góp thiết thực của Việt Nam vào công việc khu vực và thế giới; thể hiện vị thế, uy tín, dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế./.

Theo THU PHƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)