Đời sống công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn

27/07/2020 - 05:45

 - Do tác động của dịch bệnh COVID-19, người lao động (NLĐ) làm việc trong các doanh nghiệp (DN), công ty bị ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Lao động việc làm trong quý II đến nay vẫn giảm dù có nhiều nỗ lực từ các cấp, ngành.

Tại 2 khu công nghiệp lớn của tỉnh là Bình Hòa (Châu Thành) và Bình Long (Châu Phú) có 12 DN, với khoảng 12.000 lao động, 6 tháng đầu năm đã giảm hơn 1.000 lao động so cuối năm 2019. Theo Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Tô Minh Lắm, DN gặp nhiều khó khăn nhất là ngành chế biến thủy sản tập trung ở Khu công nghiệp Bình Long. Hầu hết công ty vẫn còn lượng tồn kho rất cao, tình hình xuất khẩu khó và chưa có đơn hàng mới, có DN chỉ xuất được 1/10 so trước đây. Còn tại Khu công nghiệp Bình Hòa, Công ty TNHH An Giang Samho có khoảng 6.000 lao động, từ tháng 5 đã cho tạm hoãn hợp đồng lao động với hơn 1.800 người, trong đó 1.300 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động 3 tháng. Một số đơn vị khác không ký mới được đơn hàng, phần lớn chỉ sản xuất được đến tháng 8. Do hầu hết các DN trong khu công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, các đối tác lớn là Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc… nên việc ký đơn hàng mới và xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Hỗ trợ cho người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng thu nhập do tác động của dịch bệnh COVID-19

Qua khảo sát, số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm trên toàn tỉnh do các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh thu hẹp sản xuất là 684 người; số lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên hơn 3.600 người; số người đang nộp hồ sơ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 11.600 người. Do giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương nên thu nhập của người lao động bị sụt giảm đáng kể. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương khu vực sản xuất - kinh doanh quý II-2020 là 4 triệu đồng, giảm 33,3% so năm 2019.

Còn theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến tháng cuối 5-2020 có 271 cơ sở, DN nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, với số tiền 66,8 tỷ đồng. Trong đó có nhiều DN nợ thời gian dài, số tiền lớn, làm ảnh hưởng đến các chế độ, chính sách cho công nhân lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc thôi việc. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống, sinh hoạt của nhân dân, NLĐ. Các DN nhất là ngành nghề thủy sản, du lịch, dệt may gặp khó khăn về nguyên liệu, đơn hàng... đã giảm thời gian sản xuất, giảm tiền lương, bố trí lao động luân phiên làm việc tại DN, hoãn hợp đồng lao động tạm thời, chấm dứt hợp đồng lao động... đã tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện xong việc chi hỗ trợ một lần (đợt 1) cho gần 800 đoàn viên, công nhân lao động không thuộc đối tượng của gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP với số tiền gần 400 triệu đồng từ nguồn quỹ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hạn hán của tỉnh, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thẩm tra, tập hợp để xem xét đề xuất hỗ trợ đợt 2 cho các nhóm đối tượng của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và quỹ Xã hội công đoàn.

Việc tạo động lực và khôi phục hình hình sản xuất - kinh doanh được xem là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, các ngành hiện nay. Trong đó đặc biệt tăng cường công tác tuyên tuyền, phát huy tinh thần đoàn kết, không để DN lợi dụng dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Để san sẻ phần nào khó khăn với NLĐ, nhiều địa phương, ban, ngành có cùng quan điểm cần đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, mở rộng đối tượng được chăm lo, riêng công đoàn đề xuất cấp trên tiếp tục hỗ trợ cho NLĐ có thu nhập cao hơn 1.490.000 đồng và thời gian xét khó khăn tăng lên vì trong tháng 6 và 7 vẫn còn nhiều lao động gặp khó. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thêm cho NLĐ bị hoãn việc làm, mất việc do họ đã mất quyền lợi hưởng các chế độ từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thời gian tới, tỉnh cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy DN phát triển, đơn giản hóa các thủ tục; tìm kiếm các đối tác trong nước để mở rộng thị trường để thúc đẩy phát triển, thu hút lao động trở về địa phương làm việc.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích