Phái đoàn Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Đặng Thị Thu Huyền/Pv TTXVN tại Washington D.C, Mỹ
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng Francis R. Fannon và Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An, cùng với các đại diện liên ngành từ cả hai nước, đã tái khẳng định cam kết của Mỹ và Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng. Các phái đoàn Mỹ và Việt Nam nhấn mạnh vai trò thiết yếu của an ninh năng lượng đối với sự phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao. Hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc cải thiện tính minh bạch và khả năng dự báo về môi trường đầu tư của ngành năng lượng Việt Nam thông qua việc phát triển khu vực tư nhân và cải cách quy định.
Ông Fannon đề nghị tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng những nỗ lực nâng cao năng lực của Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV). Cụ thể, Vụ Năng lượng và Tài nguyên của Bộ Ngoại giao Mỹ (ENR) sẽ hỗ trợ ERAV phát triển: 1) thị trường điện mang tính cạnh tranh; 2) lưới điện thông minh và các chương trình đáp ứng nhu cầu về điện năng; 3) các công cụ điều tiết cần thiết cho thị trường bán buôn và bán lẻ điện năng. Theo ông Fannon, ENR sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng (STOMAQ) để tăng hiệu suất điện năng trong khu vực thông qua các cam kết kỹ thuật và sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề này. Hai bên tiếp tục nhận thấy sự cấp bách của việc cải thiện hiệu suất điện năng, đặc biệt là điều hòa không khí chiếm tới 50% nhu cầu điện ở các nước ASEAN và có tác động đáng kể đến an ninh năng lượng.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, cơ chế đối thoại về an ninh năng lượng giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu từ 2 năm trước, trong đó cuộc đối thoại lần thứ nhất diễn ra vào tháng 3/2018 tại Hà Nội. Đây là một cơ chế lần đầu được thiết lập giữa các bộ của hai nước về an ninh năng lượng. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và phát triển bền vững ngành năng lượng là một nhu cầu bức thiết. Việc thiết lập cơ chế đối thoại giữa hai bộ tạo ra một cơ chế hợp tác lớn giữa các bộ ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành năng lượng hai nước tiến tới thiết lập quan hệ, thúc đẩy các dự án hợp tác chung. Mỹ là một quốc gia có thế mạnh về năng lượng bao gồm cả công nghệ, trữ lượng tài nguyên và nguồn vốn. Thông qua đối thoại, hai bên đều đánh giá năng lượng là lĩnh vực tiềm năng để làm sâu sắc hơn quan hệ toàn diện giữa hai nước, vì lợi ích của hai bên và hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Việt Nam và Mỹ cũng có thể mở thêm các cơ chế đối thoại chính thức trong các lĩnh vực khác, để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án hợp tác cụ thể của doanh nghiệp hai nước.
Liên quan đến năng lượng tái tạo, đại diện Việt Nam đã thảo luận về chương trình thí điểm về Thỏa thuận Mua điện trực tiếp (DPPA) cho phép các tập đoàn Mỹ có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo 100% được mua trực tiếp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo dành cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đã ký hợp đồng tư vấn về nghiên cứu hệ thống tích điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo.
Liên quan đến khí đốt hóa lỏng, cả hai phái đoàn đã nêu bật những nội dung tại hội thảo về Khí đốt hóa lỏng Việt-Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2018 nhằm thúc đẩy đảm bảo nguồn cung khí đốt hóa lỏng ổn định cho sản xuất điện và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực khí đốt hóa lỏng. Hai bên đã thảo luận về việc Tập đoàn AES của Mỹ đề xuất đầu tư vào dự án Điện-Khí Sơn Mỹ 2 tại Việt Nam.
Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác trong tất cả các lĩnh vực được thảo luận trong Đối thoại và xem xét tiến trình tại Đối thoại An ninh Năng lượng Việt-Mỹ lần thứ ba vào năm 2020 sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
Theo NGỌC ÁNH (Báo Tin Tức)