Đón xuân sớm trên tuyến đảo tiền tiêu

24/01/2024 - 08:16

Đến với Trường Sa dịp cuối năm thường là những chuyến đi biển nhiều sóng gió. Lần này cũng vậy, những con sóng cấp 5 đã ngăn không cho đoàn nhà báo vào khá nhiều đảo. Từ boong tàu, chúng tôi dõi theo những chuyến xuồng vận tải rập rờn trên sóng đưa hàng Tết vào đảo nhỏ. Cũng từ đây, chúng tôi thấy gương mặt lấp lánh nụ cười của các chiến sĩ kiên cường trước sóng gió...

Đội văn nghệ xung kích đảo Song Tử Tây.

Đội văn nghệ xung kích đảo Song Tử Tây.

Ấn tượng của nhiều người về huyện đảo Trường Sa hôm nay, đó là phát triển bền vững, những công trình "năng lượng xanh", những đề tài phát triển tài nguyên đất, cơ sở vật chất từ y tế đến hậu cần giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Rời Trường Sa trước thềm xuân mới, chúng tôi mang theo niềm tin, sức mạnh cùng ý chí của những con người gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của quốc gia.

Những chuyến hàng nặng ân tình

Đến với Trường Sa lần này, ngoài đại diện các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương còn có hơn 100 nhà báo. Cùng những phần quà Tết, chúng tôi mang đến Trường Sa rất nhiều món quà tinh thần ý nghĩa.

Nhà báo Đặng Phương Hoa (Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang) kể: Khi biết sắp có chuyến ra thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, nhiều trường học ở Hà Giang đã phát động phong trào viết thư gửi bộ đội Trường Sa. Vậy là cùng với việc ghi hình, tác nghiệp trên các đảo, nhà báo Phương Hoa có thêm một sứ mệnh là gửi tới tận tay các cán bộ, chiến sĩ từng lá thư của các em học sinh. Nhiều nhà báo khác cũng được người thân nhờ gửi những món quà lưu niệm tới các chiến sĩ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Phụng từ Thành phố Hồ Chí Minh mang theo những tấm khăn rằn, anh chia sẻ: Hình ảnh chiếc khăn rằn rất thân thuộc với đồng bào miền nam. Bất cứ người con miền nam nào khi đi xa, thấy chiếc khăn là như thấy hình bóng quê nhà... Trên những góc khuất gió của tàu, chúng tôi thấy những cây quất cảnh, đào, mai do người dân các làng nghề gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Cùng với đó là rất nhiều phần quà, vật lưu niệm của người dân đất liền gửi tặng quân và dân trên huyện đảo. Đây là những chuyến tàu đầy ắp tin yêu, nghĩa tình từ đất mẹ.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 phụ trách đoàn công tác, nói: Chúng tôi luôn nhận được tình cảm của nhân dân cả nước gửi tới cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Đây chính là sự kết nối ân tình giữa đảo tiền tiêu và đất liền để mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa thêm niềm tin và sức mạnh, vững tay súng, sáng đôi mắt giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau hai ngày lênh đênh vượt sóng cấp 5, cấp 6, những chuyến tàu từ đất liền ra thăm và chúc Tết cán bộ trên quần đảo Trường Sa đã tới đích. Mọi người quên hết mệt mỏi, đổ dồn ra boong tàu ngắm nhìn những hòn đảo khi còn mờ ảo. Phía đảo, chiến sĩ và nhân dân cũng ra cầu cảng ngóng trông. Chân sóng đang xuống thấp, tàu vận tải chưa thể tiếp cận với cầu cảng. Vậy là lại phải tiếp tục đợi chờ.

Cảm xúc lúc này thật khó tả, đầy ắp mong ngóng, háo hức, thân thương. Trên mũi tàu, chúng tôi ngắm đảo Song Tử Tây. 20 năm trước (năm 2004), đây cũng là hòn đảo đầu tiên tôi đặt chân lên trong hành trình suốt 26 ngày rong ruổi các đảo phía bắc quần đảo Trường Sa. Lúc đó các đảo Đá Nam, Song Tử Tây vừa hứng chịu một trận bão lớn, cây cối đổ ngổn ngang.

Còn hôm nay, từ ngoài khơi nhìn vào thấy đảo có rất nhiều nhà cửa kiên cố. Âu tàu đã hoàn thành, có rào chống đổ bộ, có tường bao chắn sóng... Một cảm xúc tự hào cứ nhân lên mãi. Lại nhớ lời Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, nói với đoàn công tác trước khi tàu rời Quân cảng Cam Ranh: Đối với những người đã từng ra Trường Sa, hãy đến và cảm nhận sự đổi thay trên đảo tiền tiêu để thấy công sức của bộ đội ta cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo.

Trường Sa-ý chí và sức sống xanh

Chúng tôi lên đảo Song Tử Tây. Với tôi có thoáng chút bỡ ngỡ. Theo ký ức, đảo có điểm cao là ngọn hải đăng và khoảng trống sân vận động giữa đảo. Hôm nay trên đảo đã có thêm nhiều công trình kiến trúc. Bộ đội mấy ngày qua tiến hành nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết.

Thể thao có: bóng chuyền, bóng đá, đẩy gậy, nhảy bao bố... Văn nghệ có các tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, tình yêu tuổi trẻ. Bộ đội Trường Sa rất cởi mở, tự tin. Điều này có lẽ xuất phát nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực. Gần như các phân đội, cụm chiến đấu đều được trang bị công nghệ truyền hình độ nét cao, thông tin không còn thiếu thốn.

Lãnh đạo, chỉ huy các đảo thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để bộ đội tham gia hoạt động sinh hoạt văn nghệ. Thượng úy Lê Đinh Minh Tiệp, đảo Sinh Tồn cho biết: Đội văn nghệ của đảo có 20 người gồm nhiều hạt nhân văn nghệ của các cụm chiến đấu, đầu mối chi đoàn cùng lực lượng kết nghĩa là các hộ dân sinh sống trên đảo. Đội văn nghệ có lịch sinh hoạt cố định 1 tuần 1 buổi, tập luyện các tiết mục hát, múa "tự biên tự diễn". Suốt năm, đội văn nghệ được nhiều đầu mối các đơn vị "đặt hàng biểu diễn", nhất là nhân các sự kiện lớn như đại hội chi bộ, đại hội chi đoàn, lễ, Tết. Ban Chỉ huy đảo luôn tạo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất cho các thành viên của đội tham gia luyện tập. Mới đây, nhân toàn đảo phát động phong trào "Tết trồng cây" đội văn nghệ tham gia nhiều tiết mục cổ vũ, đồng thời trực tiếp tham gia hưởng ứng phong trào.

Đầu năm 2023, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ban hành nghị quyết xanh hóa Trường Sa. Dịp Tết đến, Xuân về cũng là cao điểm thực hiện nghị quyết này. Theo đó, mỗi lượt cán bộ, chiến sĩ ra công tác tại đảo phải trồng ít nhất 1 cây lưu niên. Nếu diện tích không đủ thì tham gia chăm sóc, gìn giữ một số lượng cây đã trưởng thành nhất định. Có hai thứ gây tác hại cho cây rất lớn, đó là gió biển và nước muối. Thí dụ như đảo Cô Lin, cả đảo chỉ có một cây bàng vuông là cây lưu niên được bộ đội "quý như bảo bối".

Những cây trồng trong chậu còn được bộ đội gánh đi sơ tán hướng gió, cây bàng vuông này thì không thể, cả đảo phải che chắn, giăng bạt, rửa muối... mỗi khi cây bị sóng đánh trùm lên. Vất vả là thế nhưng kiên trì bảo vệ, gìn giữ, đến nay cây đã cao quá đầu người. Cùng với các hoạt động trồng cây lâu năm để xanh hóa Trường Sa, công tác tăng gia sản xuất được nhiều đảo tích cực đẩy mạnh. Đảo Cô Lin có 78 m2 đất trồng rau, trong năm 2023 thu hoạch được 725 kg rau xanh bảo đảm 80% bữa ăn cho bộ đội.

Ở các đảo nhỏ tương tự như Cô Lin, lượng rau xanh cũng được đáp ứng từ 80 đến 90% bữa ăn của bộ đội. Công tác chăn nuôi được bảo đảm, cán bộ, chiến sĩ một năm tăng gia sản xuất được trung bình 1 triệu 550 nghìn đồng đạt chỉ tiêu đơn vị. Gần đây, Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện đề tài dùng chế phẩm sinh học cải tạo cát san hô thành đất để trồng cây, trong tương lai gần sẽ tạo ra tài nguyên đất vô giá giúp Trường Sa thêm xanh.

Đón xuân sớm trên tuyến đảo tiền tiêu ảnh 1

Xuân về trên đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử.

Huyện đảo bên thềm Xuân

Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân đảo Sinh Tồn Phạm Văn Toản là chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, giai đoạn 2008-2010. Thời gian này anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Xuất ngũ, anh thi vào trường cao đẳng và làm nghề xây dựng. Trong suốt những năm sau đó Phạm Văn Toản luôn canh cánh nỗi nhớ nhung biển đảo. Cho đến một ngày, chi bộ nơi anh tham gia sinh hoạt thông báo tuyển chọn các hộ gia đình trẻ ra phát triển kinh tế, văn hóa trên quần đảo Trường Sa. Hồ sơ của gia đình anh nhanh chóng được phê duyệt. Đến tháng 6/2023, gia đình anh Toản cùng một số hộ khác được đưa ra định cư tại đảo Sinh Tồn. Tết Giáp Thìn 2024 là cái Tết đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ trên đảo tiền tiêu.

Anh Toản tâm sự: "Đây là cái Tết thật sự ý nghĩa với gia đình nhỏ chúng tôi. Được quây quần bên gia đình, được cống hiến sức lực bé nhỏ của mình cho Tổ quốc". Chị Huyền, vợ anh Toản, là một điều dưỡng viên trong đất liền, ra đảo cũng phát huy được năng lực chuyên môn, hỗ trợ bộ đội trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chị còn là một thành viên tích cực của Chi hội Phụ nữ xã đảo Sinh Tồn. Phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu của đảng viên, gia đình anh Toản đã giúp đỡ, vận động các hộ gia đình khác làm đường hoa, thu gom rác thải, giữ gìn môi trường đảo trong sạch, lành mạnh.

Các hộ gia đình ở đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây và nhiều đảo khác thường có hoàn cảnh vợ giáo viên, y tá, điều dưỡng, chồng là lái xe, ngư dân hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. Tất cả đều háo hức chờ đón "xuân vui đầu tiên" xa đất liền. Một bộ phận cư dân khác của quần đảo Trường Sa là các công chức, viên chức, nhân viên Ủy ban nhân dân xã; thầy giáo các trường mầm non, tiểu học xã đảo. Dù xa gia đình rất nhớ nhung song tất cả đã dành cho mình tâm thế "vui xuân mới, không quên nhiệm vụ".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Tử Cao Văn Giáp cho biết: Trong đời sống hằng ngày, nhân dân trên xã đảo luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn xã đảo. Nhân dân được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, giao lưu, kết nghĩa cùng bộ đội. Đó là sự động viên rất lớn. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều xác định trách nhiệm của mình khi nhận công tác tại đây, tất cả đều hòa mình vào niềm vui chung của toàn xã đảo trong dịp Tết đến, Xuân về.

Thầy giáo Bùi Tiến Anh (26 tuổi), lại coi đây là một trải nghiệm không thể quên để kể cho người thân trong đất liền về tình quân dân khăng khít. Thầy cho biết: Tết là dịp để mỗi chúng ta ôn lại kỷ niệm về gia đình và tình bạn. Quanh tôi là cả một gia đình lớn có rất nhiều bạn thân, Tết nơi đảo xa cho tôi trải nghiệm sống và trưởng thành hơn.

Rời Trường Sa bên thềm Xuân mới, chúng tôi nhận được tâm tình, tâm nguyện của quân dân Trường Sa gửi về đất Mẹ quê hương: Nơi đây, chúng tôi luôn có niềm tin và sức mạnh ý chí giữ vững từng tấc đất, biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo  ĐÔNG HÀ VÀ NINH CƠ (Nhân dân)